Trong xã hội hiện nay, ai cũng vì cuộc sống trước rồi mới đến đam mê. Ngành nghề lĩnh vực nào cũng vậy, phải có thu nhập mới có người theo đuổi. Không kiếm được tiền thì đam mê mấy cũng phải từ bỏ, tìm nghề khác để sống. Cải lương nói riêng, sân khấu nói chung đi xuống theo tôi có những nguyên nhân sau:
Thứ nhất là thiếu đào tạo. Xưa nay, chỉ có người đi trước truyền nghề cho người đi sau, không hề có trường lớp nào đào tạo bài bản cải lương. Các nghệ sỹ như Kim Tử Long trở về trước là những người sinh ra từ công chúng, mê hát hò rồi đi theo gánh hát hoặc do cha truyền con nối.
Ngày nay, bất kể là kinh doanh gì cũng phải có bằng cấp đã qua đào tạo bài bản, có giấy phép chứng minh người kinh doanh có đủ chuyên môn và năng lực tài chính. Không có những cái đó sẽ dẫn đến sự bát nháo, vàng thau lẫn lộn. Có những ngôi sao Hollywood, nhờ diễn xuất bẩm sinh và ngoại hình mà được đạo diễn mời đóng phim. Sau khi thành danh cũng phải cắp cặp đi học lấy một bằng nghệ thuật nào đó. Việt Nam mình có bao nhiêu nghệ sỹ có bằng cấp ? Nghề nghiệp không có bằng cấp có thể gọi là nghề nghiệp sao? Việt Nam đã có nghề MC (dẫn chương trình) chưa hay nghề này chỉ là tự phát?
Xem thêm: 'Cải lương sẽ sống dậy nếu lớp trẻ được dạy nhạc ngũ cung'
Hai là thiếu điểm biểu diễn. Một cái rạp hát thường chỉ có một công năng duy nhất. Hoặc là để chiếu phim hoặc để biểu diễn sân khấu – ca nhạc hoặc biểu diễn xiếc - ảo thuật – tạp kỹ. Không có cái rạp nào đa năng cả. Loại hình biểu diễn quyết định kiến trúc của rạp. Chiếu phim thì ghế khán giả phải làm sao cho góc nhìn vuông góc với màn hình. Sân khấu – ca nhạc thì ghế khán giả bao quanh sân khấu thành hình bán nguyệt. Xiếc – tạp kỹ thì ghế ngồi bao quanh sân khấu thành hình tròn.
Sân khấu tuy có nhiều bộ môn khác nhau (cải lương, kịch nói, chèo, tuồng cổ, hát bội...) thì vẫn là nghệ thuật sân khấu, tại sao cứ phải chia ra rạp cho loại hình sân khấu này sân khấu nọ để làm gì? Rạp không "đỏ đèn" mà để cho thuê làm quán cà phê, quán nhậu, kinh doanh gì đó là lỗi buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng. Nói cách khác, anh đang dùng tài sản công không đúng mục đích.
Rạp thuộc sở hữu nhà nước là của nhân dân, nhà nước chỉ thay nhân dân quản lý thôi chứ đâu phải sở hữu của riêng ai. Sử dụng không đúng mục đích là vi phạm pháp luật. Tôi đề nghị ngành chức năng TP HCM thanh tra kiểm tra các rạp hát.
Sử dụng không đúng mục đích phải kiên quyết thay người quản lý. Một số nghệ sỹ giàu nứt thì xây nhà thờ tổ thật hoành tráng chỉ để cúng kiếng mỗi năm một lần còn xây sân khấu để kinh doanh thường xuyên thì chả quan tâm. Cái đấy kêu bằng "tâm huyết"?
Xem thêm: Nhà hát xây xong nhưng tương lai nào cho cải lương?
Thứ ba là thiếu phổ cập giáo dục. Muốn có người xem thì công chúng phải có hiểu biết cơ bản về nghệ thuật. Các trường phổ thông cho đến đại học ở nước ngoài luôn có các lớp ngoại khóa dạy học sinh về nghệ thuật và thể thao. Ít nhất, mỗi học sinh đều biết chơi một nhạc cụ hoặc một môn thể thao.
Tại sao hệ thống giáo dục của Việt Nam thiếu hẳn các lớp ngoại khóa này? Đào tạo thật sâu các bộ môn khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa) và xã hội (Văn, Sử, Địa) để làm gì? Những bộ môn này đều có chuyên khoa ở bậc đại học cả. Đã gọi là giáo dục phổ thông là chỉ dạy những cái, hoặc là xã hội ai cũng phải biết, hoặc là cá nhân đam mê lĩnh vực đó. Tranh luận về việc xây nhà hát nhạc vũ kịch, về bóng đá Asian Cup, ta có thể thấy rất nhiều người không có kiến thức gì về việc này. Họ chủ yếu theo tâm lý đám đông hoặc hùa theo niềm tự hào dân tộc.
Họ không biết rằng nhiều bộ môn thể thao đã được nâng lên hàng "nghệ thuật", đòi hỏi người xem phải biết thưởng thức, phải biết phê bình. Ca sỹ hát sai nốt nhạc, ban nhạc chơi lạc phách khán giả vẫn vô tư vỗ tay, như vậy vẫn gọi là khán giả, là hưởng thụ nghệ thuật, là phê bình? Thiếu kiến thức dẫn đến dễ dãi, thiếu nghiêm túc. Khán giả dễ dãi thì nghệ sỹ cần gì phải nghiêm túc?
Những ông bà nghệ sỹ thành danh kia biểu diễn không bao giờ có sai lầm? Có hết đấy chỉ là ai có thể nhận ra và hơn nữa, ai dám phê bình? Cứ thấy người ta "cây đa cây đề" rồi họ phát biểu cái gì cũng gật đầu sái cổ thì thua. Khán giả khó tính thì nghệ thuật nghiêm túc, ít sai sót và ngày càng tiến bộ hơn.
>>Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.