Gần đây qua một số phương tiện truyền thông, tôi rất vui mừng khi biết tin rạp hát Hưng Đạo sẽ được khánh thành vào đúng dịp ngày thống nhất đất nước 30/4. Là người hâm mộ loại hình nghệ thuật này thì đây là sự kiện thực sự có ý nghĩa đối với tôi.
Tuy nhiên, cũng trong vài ngày gần đây, tôi lại đọc thêm một bài báo kể về cuộc sống khó khăn, vất vả trăm bề của các nhân viên hậu đài, quay phim, âm thanh, ánh sáng, nhắc tuồng, phục trang… của sân khấu cải lương.
Có anh quay phim bị thương nặng, đổ máu trong quá trình làm việc phải tự lo tiền thuốc thang mà không được nhà sản xuất hỗ trợ. Có anh nhắc tuồng ra đi trong sự tiếc thương của đồng nghiệp chỉ vì thường xuyên thức đêm làm việc, đánh máy kịch bản dẫn đến chứng bệnh lao phổi không kịp cứu chữa. Đọc xong, lòng tôi dâng lên một nỗi buồn khó tả.
Ngày còn nhỏ, khi xem cải lương, đặc biệt là các tuồng Hồ Quảng, trong mắt tôi chỉ hiện lên hình ảnh đẹp lung linh cùng giọng ca ngọt ngào của các nghệ sĩ cải lương. Khi lớn lên một chút, tôi bắt đầu tò mò về những bộ trang phục cầu kỳ, vũ khí và cảnh trí công phu mình được thấy trong các tuồng cải lương là từ đâu ra.
Trước khi mạng internet phát triển như bây giờ, nơi mà hầu như mọi thắc mắc đều có thể giải đáp thông qua Google thì đó vẫn mãi là một câu hỏi mãi lẩn quẩn trong đầu mà chưa có lời giải đáp.
Sau này, thông qua các trang báo, diễn đàn về nghệ thuật cải lương, tôi được biết để có được những tuồng cải lương hay cống hiến cho khán giả mộ điệu, ngoài tiếng hát lời ca của những nghệ sĩ cải lương… còn có sự đóng góp hết sức thầm lặng của đội ngũ họa sĩ thiết kế, phục trang, quay phim, người nhắc tuồng, nhân viên hậu cần…
Thật ra trước giờ cũng có nhiều bài viết về đề tài này, kể cho chúng ta nghe cuộc sống khó khăn của đội ngũ nhân viên hậu đài. Bản thân tôi rất đồng tình và chia sẻ với những quan điểm được nêu trong các bài viết đó. Nay chỉ xin được chia sẻ thêm một vài nhận định cá nhân với quý báo cũng như các bạn độc giả khác.
Thực trạng đau lòng này chắc rằng không xa lạ với những ai trong ngành và có tấm lòng trăn trở với bộ môn nghệ thuật dân tộc cải lương. Nhưng chắc hẳn với nhiều khán giả, khi xem cải lương, họ chỉ tán dương giọng hát truyền cảm, vũ đạo điêu luyện của nghệ sĩ mà ít khi dành sự quan tâm hay khen ngợi khâu phục trang.
Đôi khi tôi tự hỏi, không biết có mấy ai biết được đằng sau tấm áo choàng rực rỡ, lấp lánh kim tuyến, chiếc mũ lông chim trĩ hay những vũ khí rất giống thật kia là bao nhiêu tâm sức, sự mày mò sáng tạo và mồ hôi, công sức của các nghệ nhân, đội ngũ phục trang?
Sân khấu cải lương hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn nghệ sĩ phải chật vật lắm mới sống được với nghề, thế nhưng, cuộc sống của đội ngũ hậu đài còn bi đát hơn nhiều. Nhưng vượt lên tất cả, bằng lòng yêu nghề và truyền thống gia đình, các nghệ nhân phục trang, các nhân viên hậu đài vẫn tiếp tục cống hiến một cách hết sức âm thầm cho công cuộc gìn giữ nghệ thuật cải lương không bị mai một theo thời gian. Khi người ta làm điều gì đó không chỉ vì tiền, điều đó thật là đáng quý.
Chỉ là ý kiến thiển cận, nhưng tôi chợt nghĩ mọi người thường hô hào hãy vực dậy cải lương mà lại quên đi vấn đề cấp thiết là phải đảm bảo cơ bản cuộc sống của không chỉ các nghệ sĩ mà còn của các nhân viên hậu đài. Không hề quá đáng khi nói rằng thiếu họ, một vở cải lương không thể nào ra mắt công chúng được.
Thật tốt biết bao nếu những nhân viên này bên cạnh công việc chuyên môn liên quan đến sân khấu còn được Nhà nước hoặc các đơn vị xã hội có chế độ ưu đãi, hỗ trợ vốn hoặc đào tạo nghề để họ có thể yên tâm cống hiến cho bộ môn nghệ thuật dân tộc.
Vào những dịp lễ Tết, các ca sĩ, nghệ sĩ thường gây quỹ, trao quà cho những nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, nhưng thật ra đây chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ giải quyết được phần ngọn. Nếu tình hình không được cải thiện thì một ngày không xa sẽ không ai có thể, không ai “dám” đảm nhận những công việc hậu đài như vậy nữa.
Ngoài niềm đam mê, sự yêu nghề thì hầu như ai cũng còn có cha mẹ già, con nhỏ cần phải nuôi dưỡng, chăm sóc. Cuộc sống mưu sinh rồi sẽ đẩy họ xa dần ra khỏi “thánh đường nghệ thuật” mà họ đã từng yêu mến và gắn bó.
Tôi thật không dám tưởng tượng đến một ngày nào đó, bộ môn nghệ thuật tuồng cổ sẽ tàn lụi hoặc có chăng khi trình diễn thể loại này, các nghệ sĩ sẽ phải mặc quần áo xã hội mà trình diễn – không cân đai, không áo mão hay vũ khí - vì các nghệ sĩ lão thành chuyên về phục trang không thể tìm được người muốn tiếp nối để truyền nghề. Đó thực sự sẽ là một cơn ác mộng không chỉ của riêng tôi mà còn của tất cả những khán giả mộ điệu cải lương.
Để tạm thời giải quyết thực trạng trước mắt, tôi mong ước trong mỗi buổi trình diễn cải lương ở rạp hát, thậm chí các chương trình do các đài thực hiện có cho khán giả đến xem, chúng ta có đặt một thùng gây quỹ cho các nhân viên hậu đài và gia đình đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ. Số tiền đó sẽ được chuyển đến tận tay cho các nhân viên này để kịp thời hỗ trợ, và quan trọng nhất để họ cảm thấy ấm áp khi biết mình không bị lãng quên giữa bao bộn bề của cuộc sống đời thường.
Những khán giả có lòng ắt hẳn sẽ rất hạnh phúc khi có thể chung tay làm một điều ý nghĩa cho sân khấu cải lương và cả cho cộng đồng. Về lâu dài, các sân khấu cải lương phải được sáng đèn thường xuyên, hồi sinh và tìm lại thời kỳ hoàng kim đã từng có của mình.
Thực sự, tôi không dám lạm bàn nhiều, vì thiết nghĩ cần có những giải pháp lâu dài, thiết thực và có tính chiến lược từ các cơ quan chức năng, các nhà quản lý văn hóa. Viết đến đây, những ký ức đẹp về lần xem diễn cải lương đầu tiên trong đời chợt hiện về. Đó không phải là ở một sân khấu chuyên nghiệp, có đầy đủ cảnh trí, âm thanh, ánh sáng mà là trong sân trường trung học phổ thông.
Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập trường, thầy hiệu trưởng đưa ra quyết định “đột phá” là sẽ không mời các ca sĩ nổi tiếng về trình diễn mà mời các nghệ sĩ cải lương nhằm tái hiện lại không khí oai hùng của dân tộc thông qua trích đoạn “Tiếng trống Mê Linh” (trường cấp 3 của tôi là THPT Trưng Vương).
Tôi còn nhớ như in, hai nghệ sĩ được mời đến trình diễn hôm đó là nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm trong vai Trưng Trắc và nghệ sĩ Linh Châu trong vai Thi Sách. Trước giờ diễn vài phút, cả sân trường còn nhốn nháo bởi lũ “quỷ” học trò chúng tôi. Nhưng ngạc nhiên thay, khi tiếng đàn, tiếng trống vang lên, các nghệ sĩ vừa cất tiếng hát thì các bạn học trò không ai bảo ai đều im lặng như tờ, ngồi chăm chú theo dõi.
Trên sân khấu, các nghệ sĩ quần chúng diễn vai quân sĩ vừa hô “xung phong” thì lập tức cả đám học trò, trong đó có rất nhiều bạn nam một tay đưa cao, miệng thì hô vang “xung phong… xung phong”. Cả sân trường như sống lại không khí yêu nước sục sôi thời Bà Trưng, Bà Triệu.
Nhìn thấy cảnh tượng đó, có ai không cảm thấy xúc dộng, ai dám nói lịch sử là khô khan, là khó nhớ, khó học và còn có ai luôn khẳng định rằng cải lương đang “khắc khoải chờ chết” vì người trẻ hoàn toàn vô tâm với cải lương? Nếu có chăng nữa thì do sự quan tâm, tìm hiểu nơi các bạn trẻ chưa được hướng dẫn và khơi gợi đúng cách.
Tiếc thay, hiện giờ, trong chương trình học từ tiểu học đến trung học, vào giờ nhạc lý, chưa có chương trình tìm hiểu về cải lương, chèo cổ cũng như các bộ môn nghệ thuật dân tộc khác. Tôi tin ý tưởng này đã từng được nhiều nhà chuyên môn nêu lên nhưng dường như chưa bao giờ được lên kế hoạch cụ thể và thực hiện.
Một điều rất logic, người ta không thể thích những gì mình chưa từng có điều kiện tiếp xúc và hiểu về nó một cách đúng đắn. Biết đâu cũng có nhiều bạn học sinh cùng thời với tôi, sau buổi trình diễn cải lương ở sân trường ấy, đem lòng yêu mến, bắt đầu tìm hiểu về nghệ thuật cải lương và dần dần say mê nó như tôi đã từng…
>> Xem thêm: Nghệ thuật cải lương được khai sinh như thế nào
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống tại đây.