Trong tháng này, cơ quan chức năng TP HCM và những người làm nghề tỏ ý quan tâm đến nghệ thuật trình diễn cải lương, nhân sự kiện kỷ niệm trăm năm cải lương Việt Nam. Hãy cùng tôi bày tỏ quan điểm, sự yêu thích đối với nghệ thuật ca và trình diễn này.
Tôi năm nay bốn mươi ba tuổi, chứng kiến được nhiều sự thăng trầm của nghệ thuật cải lương. Đã có những thời điểm mà ngày nào tôi cũng ghé mắt coi cải lương, cách đây hơn mười năm thì bà ngoại tôi xem, hiện nay thì mẹ tôi xem, qua băng video hoặc qua truyền hình.
Ngày tôi còn bé (học cấp một hoặc cấp hai) còn được vé vào rạp xem hát cùng với bà tôi (các vở Tấm Cám, Thánh Gióng, Anh hùng bán than...). Do đó, tôi có một sự yêu mến nhất định và trân trọng bộ môn nghệ thuật dân tộc này, qua sự thẩm thấu dần dần.
Chắc chắn là vọng cổ - cải lương có những điểm độc đáo và cuốn hút để có thể tồn tại và phát triển.
>> Xem thêm: Nghệ sĩ điện ảnh bức xúc vì bị cắt lương: Nhầm lẫn giữa kinh doanh và nghệ thuật?
Nghệ thuật trình diễn dân tộc ở miền Bắc có tuồng (ảnh hưởng của nghệ thuật kinh kịch Trung Hoa nói chung), chèo, ca trù, quan họ, xuống đến miền Trung thì vẫn là tuồng, và có thêm thể loại ca kịch miền Trung, bài chòi. Nghệ thuật ấy vào miền Nam thì trở thành hát bội và cải lương, thêm một chút âm nhạc Quảng Đông thì thành cải lương hồ quảng. Phần lớn các thể loại là ca kịch, nghĩa là vừa trình diễn (kịch) vừa ca hát.
Bài vọng cổ là một bài hát với định dạng giai điệu cố định và các nhạc sĩ sáng tác lời. Người ta coi các bài vọng cổ hiện nay phát triển từ bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhưng không biết được ai là tác giả của phần nhạc bài vọng cổ.
Âm nhạc dân tộc có hai đặc điểm chính là âm nhạc ngũ cung (như âm nhạc của vùng Đông Á) và khuyết danh.
Trong một tuồng (vở) cải lương, người ta không chỉ sử dụng âm nhạc là bài vọng cổ, mà còn có các bài lý, bài bản đờn ca tài tử, nhạc hồ quảng, ngâm thơ... cho đến ngày nay là âm nhạc Tây phương.
Âm nhạc có tác dụng giải trí, một liệu pháp thư giãn, bất kể sử dụng chất liệu ngũ cung hay bảy note. Trước khi có sự xâm nhập của âm nhạc phương Tây, các dân tộc Á Đông đều dùng ngũ cung để sáng tác. Do đó, nhạc Hoa hay Nhật Bản đều được người Việt dễ dàng hiểu và tiếp nhận. Cho đến khi có sự xâm nhập của âm nhạc phương Tây, và sự thiên vị về giáo dục âm nhạc và truyền thông đã "giết chết" dần dần âm nhạc truyền thống.
>> Xem thêm: 'Fan cuồng cải lương' xót thương đời nghệ sĩ
Giới trẻ ngày nay hiểu nhiều về nhạc nhẹ (nhạc trẻ), nhạc nước ngoài (Anh – Mỹ, Hoa, Hàn...), họ sáng tác nhạc pop, nhạc rap, nhạc chế... không thấy ai trong giới trẻ mặn mà với bài vọng cổ và các bài bản dân tộc.
Không truyền thông, không giáo dục căn bản, thì có mấy ai cảm được cái tự nhiên và cái hay của âm nhạc truyền thống? Đó là hai nguyên nhân chính, chứ không phải là vì cải lương chậm, tẻ nhạt, dài lê thê (một vở cải lương kinh điển dài hai tiếng rưỡi) để cho mọi người xa lánh.
Nếu không được đầu tư (về tài chính và về người làm nghề) thì chúng ta không có sáng tác mới, không có nghệ sĩ mới, lớp nghệ sĩ già không thể đóng mãi những vai trẻ trung.
Tôi có thể kể những tuồng tích thuộc hàng kinh điển, đáng tự hào như Nửa đời hương phấn, Bên cầu dệt lụa, Hàn Mặc Tử cho đến Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga nhưng ở thời kỳ ‘hoàng kim’ của cải lương những năm 90 không có vở nào đáng chú ý, còn ngày nay thì hầu như không còn sáng tác mới nào ngoài mấy bài vọng cổ.
>> Xem thêm: Điện ảnh Việt Nam - lạc quan hay bi quan?
Mặc dù để hát được vọng cổ không phải là dễ (đó là bài bản khó nhất nhưng điển hình nhất của dân ca nhạc cổ), nhưng không phải là ca sĩ tân nhạc không hát được.
Theo tôi biết, ngoài ca sĩ Hương Lan hát hay được cả hai thể loại thì còn có Vân Khánh, Thanh Thúy, và trong chương trình Gương mặt thân quen là Võ Hạ Trâm. Tôi cũng bạo gan hát vọng cổ cho một chương trình văn nghệ mừng Tết, nhưng mà là hát nhép và phải thu đi thu lại cả chục lần mới được một phiên bản như ý.
Liệu một ngày nào đó, không còn ai ca trù, hát chèo, hát vọng cổ thì một số ít người biết các bài lý, các bài dân ca? Chắc chắn rồi, đó là quy luật đào thải nếu người ta không biết giữ gìn.
Tôi chỉ có thể cảm thán một từ: Tiếc.
Ngay từ bây giờ, tôi nghĩ Bộ Giáo dục Đào tạo nên gấp rút giáo dục âm nhạc ngũ cung, chứ không phải đơn giản là giới thiệu một vài bài dân ca trong chương trình học. Các cơ quan truyền thông, nếu thương cải lương hoặc các loại hình nghệ thuật dân tộc, thì nên đầu tư thực chất, chứ đừng chạy theo lợi nhuận, hoặc những thứ dễ thực hiện.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Phạm Ngọc Hồ