Kỳ nghỉ lễ dài thứ hai trong năm được nhiều người coi là cơ hội hiếm để cùng gia đình, bạn bè đi chơi xả hơi. Nhưng kết thúc bốn ngày nghỉ, nhiều du khách cho biết sẽ không du lịch dịp lễ thêm lần nào vì những trải nghiệm tồi tệ.
Đông đúc và tắc đường
Tắc đường, kẹt xe tại các cửa ngõ ở thành phố lớn và các điểm du lịch nổi tiếng là tình cảnh dễ thấy nhất trong dịp nghỉ lễ. Một số đường như đường Vành đai 3, Hà Nội; đèo Bảo Lộc, hướng đi Đà Lạt; cầu Rạch Miễu, hướng về miền Tây tắc nghẽn trong ngày đầu của kỳ nghỉ.
Nhật Hạ (TP Cần Thơ) cho biết, 21h ngày 29/4, cô cùng một người bạn lên xe khách giường nằm xuất phát đi Đà Lạt. Lượng lớn phương tiện đổ về khiến đèo Bảo Lộc tắc cứng, chiếc xe khách dường như đứng im. 16h ngày 30/4, cô mới tới Đà Lạt sau gần 20 tiếng trên xe. "Đây là lần đầu mình đi du lịch dịp nghỉ lễ và cũng là lần cuối, vì một trải nghiệm ám ảnh", cô nói.
Không chỉ tắc đường, tại điểm du lịch, Nhật Hạ cũng gặp khung cảnh đông đúc, chật chội. Tại các quán ăn như bánh mì xíu mại Hoàng Diệu, bún bò ở phường 2, cô xếp hàng chờ gần một tiếng mới có chỗ ngồi.
Bốn ngày nghỉ lễ, Đà Lạt ước đón 145.500 lượt khách, tăng 179,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách lưu trú đạt trên 122.000 lượt. Không chỉ Đà Lạt, một số điểm đến khác cũng gặp tình trạng đông đúc vào dịp 30/4-1/5 vừa qua. Trong đó phải kể đến khu du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa) đón khoảng 215.000 du khách; TP Nha Trang đón khoảng 125.000 lượt; TP Phú Quốc (Kiên Giang) đón 91.000 lượt khách trong kỳ nghỉ. Riêng tại TP Vũng Tàu, 70.000 du khách, người dân tắm biển ở Bãi Trước, Bãi Sau trong ngày đầu nghỉ lễ.
Giá cả leo thang, dịch vụ kém
Phan Khánh (Hà Nội) cho biết trước dịp nghỉ lễ một tuần, anh không thể tìm được phòng trống ưng ý tại Sa Pa (Lào Cai). Anh quyết định khi tới nơi sẽ tìm phòng vào ngày 30/4. Lái xe lòng vòng qua nhiều con đường để tìm nơi nghỉ, anh quyết định đặt 2 phòng đơn tại một khách sạn trên đường Điện Biên Phủ, với mức giá sau mặc cả là 400.000 đồng/đêm. Nhân viên ở đây giải thích, do ngày nghỉ lễ nên giá tăng hơn so với ngày thường là 300.000 đồng/đêm.
Nhận phòng, Khánh thấy không gian đẹp nhưng có mùi khó chịu. Khi lật chăn lên, anh phát hiện ga giường còn nhiều vết ố. Dù thông cảm với khách sạn trong những ngày lễ luôn quá công suất, anh vẫn phải yêu cầu nhân viên thay toàn bộ chăn ga và dọn dẹp lại phòng. "Tâm trạng không thoải mái, nhưng vì mệt và ngại tìm phòng khác nên tôi đành chấp nhận. Biết vậy ở nhà cho lành", anh nói.
Yến Nhi (Hà Nội) cũng không có trải nghiệm vui vẻ trong chuyến du lịch Tam Đảo, Vĩnh Phúc từ 27/4. Nhi đặt phòng trong nhà gỗ với giá 1.400.000 đồng cho hai đêm, nhưng homestay thường xuyên có côn trùng bò vào do trời mưa ẩm.
Chưa kể, nữ du khách còn bị hét giá 200.000 đồng cho 4 chiếc bánh tráng nướng. Khi cô thắc mắc về hóa đơn, nhân viên giải thích quán không có món này nên đã mua từ quán khác và được báo giá như vậy.
Tự trách bản thân không hỏi giá trước và không muốn đôi co, Nhi ngậm ngùi bỏ qua. "Mình sẽ chỉ đi du lịch lần này cho biết và sẽ không trở lại vì dịch vụ không ưng ý", cô nói.
Lo lắng vì Covid-19
Đêm 3/5, Đức Anh (Hà Nội) bồn chồn sau khi cập nhật thông tin ca nghi nhiễm Covid-19 đi lại nhiều nơi tại Đà Nẵng, Hội An. Đức Anh cùng gia đình vào Đà Nẵng du lịch ngày 2/5 và chỉ ở trong homestay, không đi đâu chơi vì hoang mang trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
"Giờ mình rất mong về nhà nhưng cũng lo lắng về nguy cơ lây nhiễm dịch trên máy bay. Cả gia đình sẽ thực hiện triệt để việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách trước khi lên tàu bay", anh nói. Sau khi về nhà chiều 4/5, anh và cả nhà sẽ thực hiện khai báo y tế theo yêu cầu của địa phương và tự cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc.
Trong dịp nghỉ lễ, lượng khách đến Đà Nẵng ước đạt 74.600 lượt, giảm 42,2% so với dự kiến trước lễ. Để phòng chống Covid-19, từ 0h ngày 4/5, thành phố tạm dừng các hoạt động không thiết yếu và cấm tắm biển.
Tương tự với Quỳnh Trang (Hà Nội), không khỏi lo lắng khi trở về từ Sa Pa, Lào Cai ngày 3/5. Về đến nhà, cô mới cập nhật tin chuyên gia Trung Quốc dừng ăn cơm tại quán ăn tại phường Ô Quý Hồ.
"Trong những ngày ở Sa Pa, gia đình mình chỉ đi Fansipan, còn lại ở khách sạn do lo ngại tới các điểm đông người và cũng thấy có nhiều người chưa chấp hành đeo khẩu trang", cô nói.
Trang cho biết, gia đình quyết định đi du lịch đúng kỳ nghỉ lễ vì các thành viên ít có dịp nghỉ dài ngày cùng nhau và có thể đi bằng xe riêng đến Sa Pa nên an toàn hơn máy bay. Cô cho biết, trong những ngày lễ Sa Pa khá "dễ thở", trái với tưởng tượng về khung cảnh chen chúc, chật chội.
Trong 4 ngày lượng khách đến Sa Pa ước đạt 45.421 lượt, ít hơn gần 30.000 so với dự kiến ban đầu. Bà Hoàng Thị Vượng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Sa Pa cho biết, do gần sát những ngày lễ, thông tin về ca nhiễm Covid-19 mới ảnh hưởng tới tâm lý du khách nên nhiều người quyết định hủy chuyến đi. Lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở du khách đeo khẩu trang, thực hiện phòng chống Covid-19 và quyết định sẽ xử phạt sau dịp nghỉ lễ.
Lan Hương
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi