(Bài Ý kiến của độc giả không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
"Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai dập dịch, tháng ba ăn mày". Câu nói đùa của một anh bạn ngành tổ chức sự kiện vô tình là tâm lý chung của hầu hết mọi người khi Covid-19 đang bùng phát.
Câu hỏi đặt ra cho cả nhà cung cấp dịch vụ lẫn khách hàng là phải đương đầu với dịch như thế nào? Có cô bạn định cư bên Mỹ quyết định về Việt Nam tổ chức đám cưới sau dịp Tết nguyên đán để dễ dàng tập trung họ hàng bạn bè gần xa. Thế rồi dịch đến, phải tránh hết tháng hai.
Cô dâu quyết tâm cuối tháng ba phải làm cho được cái ngày trọng đại. Giờ đã giữa tháng ba, thiệp mời cũng đã phát hết, ý tưởng cũng đã chốt với bên dịch vụ tiệc cưới, nhà hàng cũng đã cọc tiền. Vừa lo phải dời ngày tổ chức, vừa lo không huỷ được với nhà hàng và đối tác tổ chức, vừa phải lo hết hạn visa, lại còn phải lo nếu tổ chức thì ngày vui của mình trở thành gánh nặng của người khác nữa. Đúng là rơi ngay vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
>> Đám cưới không vui mùa Covid-19
Một anh là chủ một doanh nghiệp dịch vụ cưới lại có nỗi lo khác. Nguyên tháng hai có được một đám tổ chức. Lượng khách mời từ 700 giảm xuống còn 200 để đối phó với mùa dịch, cũng để tiết kiệm chi phí. Bao nhiêu thứ đã chuẩn bị cho lượng khách lớn phải giảm xuống, phải làm việc lại đối tác các bên, giá đầu vào tăng nhưng không thể tăng giá bán cho khách.
Công việc tạo miếng cơm manh áo cho gần 20 anh em trong công ty bị ảnh hưởng. Anh cũng lo khách lại huỷ, lại dời, cũng lo tổ chức không chặt chẽ sẽ là cơ hội cho dịch bùng phát, ảnh hưởng không chỉ khách hàng mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng thương hiệu công ty.
Đến lượt người tham dự. Cũng như thông lệ "ra giêng anh cưới em", đúng là ra giêng nhận được vài cái thiệp mời đám cưới thật. Mùa dịch ập đến, bạn gọi dời ngày cũng lo. Lo vì đã sắp xếp công việc xin nghỉ phép để đi cưới bạn, giờ dời ngày không biết đợt sau còn phép để đi không. Đến khi bạn vẫn tổ chức lại là nỗi lo khác. Công ty cắt giảm lương, tiền không có để đi phong bì cho bạn nhiều một tí vì đợt cưới mình bạn đi hẳn chỉ vàng. Lo đi tham dự thì tập trung đông người như vậy thì ngại, mà không đi thì lại lo bạn buồn.
Tình hình căng thẳng không chỉ ở mỗi cá nhân hay mỗi doanh nghiệp nào. WHO công bố đại dịch thì cả thế giới đều lo lắng. Quan trọng là chúng ta phải thật bình tĩnh, tìm ra được nước đi hợp lý, để hạn chế thấp nhất thiệt hại cũng như để không bị ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Một vài lời khuyên cho người đi ăn cưới mùa dịch: Nếu sắp xếp đi được chúng ta cần cẩn trọng xem xét sức khoẻ bản thân. Sử dụng khẩu trang và rửa tay thường xuyên để đề phòng và giảm thiểu sự lây lan dịch bệnh.
Nếu lựa chọn gửi quà mừng hoặc chuyển tiền mừng thì cũng có một động thái báo cho người tổ chức để họ có một sự chuẩn bị cắt giảm khẩu phần tiệc để giảm chi phí. Thời đại công nghệ thông tin rất phát triển vì vậy chúng ta có thể chung vui với cô dâu chú rể bằng hình thức xem livestream tiệc cưới và gửi quà mừng online để hạn chế sự tập trung đông ngưòi.
Còn với các cặp đôi, giữ gìn sức khoẻ chính là điều đầu tiên mà chúng ta nên nghĩ tới. Dù có tổ chức trong đợt này hay đợt sau thì chắc chắn ngày hạnh phúc của mình vẫn sẽ diễn ra. Làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ để có được một chính sách hợp lý phù hợp với bản thân như đặt tiệc không cọc, hoặc cọc ít nếu vẫn muốn tổ chức.
>> 'Mời cưới thời Covid-19 là đẩy khách vào thế khó'
Tốt nhất vẫn nên dời ngày tổ chức để đảm bảo ngày vui của mình không trở thành nỗi lo của bạn bè và người thân. Suy nghĩ lạc quan để gạt bỏ mọi lo lắng. Ví dụ như chúng ta sẽ có thêm thời gian để lựa chọn ý tưởng trang trí phù hợp, có thời gian kiểm tra lại các công việc sẽ làm trước trong và sau tiệc cưới. Thậm chí có thời gian để ăn uống, tập luyện, chăm sóc da, nuôi tóc chuẩn bị một ngoại hình hoàn hảo cho ngày hạnh phúc nhất cuộc đời.
Với nhà cung cấp dịch vụ, rõ ràng rất cần những chiến lược marketing hợp lý, khuyến mại, giảm giá để thu hút khách hàng. Kêu gọi sự chung tay của đối tác để đưa ra mức giá đầu vào hợp lý. Kêu gọi sự chung tay của nhân viên trong mùa dịch bằng cách mượn một phần lương nhân viên sẽ hoàn trả vào cuối năm nếu đạt đủ mục tiêu kinh doanh năm. Tư vấn cho khách hàng những giải pháp đề phòng dịch nếu khách vẫn muốn tổ chức ngày trọng đại trong tâm bão như thế này và cũng đừng ngần ngại hỗ trợ tiền cọc cho những khách muốn huỷ, vì chắc chắn khách cũng sẽ gặp mình tổ chức trong tương lai không xa.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Cát Lĩnh