Không quân Mỹ hôm 4/2 triển khai tiêm kích tàng hình F-22 bắn hạ khí cầu Trung Quốc vì cho rằng đây là khí cầu do thám, dù Bắc Kinh giải thích đó là khí cầu dân sự phục vụ mục đích nghiên cứu khí tượng bay lạc vào lãnh thổ Mỹ.
"Chúng tôi biết rõ đây là khí cầu do thám, nhưng tôi không thể cung cấp thông tin chi tiết hơn", tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói trong cuộc họp báo hôm 3/2, một ngày trước khi Mỹ quyết định bắn hạ khí cầu.
Các chuyên gia khí tượng cũng cho rằng khí cầu Trung Quốc bay trên không phận Mỹ suốt nhiều ngày không giống với các thiết bị nghiên cứu khí tượng. "Đặc điểm của quả khí cầu này không khớp với bất cứ loại thiết bị chuyên ngành nào mà chúng tôi biết", Jonathan Porter, chuyên gia khí tượng tại Accuweather, nói.
Tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ tư lệnh phương Bắc quân đội Mỹ, hôm 6/2 cho biết khí cầu bị bắn hạ có chiều cao 60 mét, mang theo khối thiết bị nặng vài nghìn pound (1 pound = 0,45 kg). Kích thước khí cầu và tải trọng của nó rất khác so với các thiết bị khí tượng thường thấy ở Mỹ.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) mỗi ngày thả hàng trăm khí cầu thời tiết lên bầu trời để đo sức gió, áp suất, nhiệt độ và độ ẩm. Theo NWS, các khí cầu của họ thường có độ cao ban đầu khoảng 1,8 m. Càng lên cao, khí cầu càng giãn nở và đạt kích thước tối đa 6 m trước khi nổ tung ở độ cao khoảng 30,4 km.
Khí cầu khí tượng Mỹ thường mang theo radiosonde, thiết bị chuyên dụng đo các thông số khí tượng và truyền về đài quan sát. Thiết bị này trang bị các cảm biến và bộ truyền phát để gửi dữ liệu về mặt đất khoảng 2 giây/lần, giúp các chuyên gia thu thập thông tin để xây dựng mô hình dự báo thời tiết trên máy tính.
"Vào mùa đông, khí cầu thời tiết có thể bay cao hơn 12 km, con số này đạt khoảng 18-21 km vào mùa hè", một nhà khí tượng học của NWS ở văn phòng thành phố Nashville cho biết.
Còn khí cầu Trung Quốc xuất hiện tại Mỹ lơ lửng ở độ cao ước tính ít nhất là 18 km, cao hơn tầm bay thông thường của máy bay cũng như trần hoạt động của các khí cầu khí tượng Mỹ vào thời điểm này trong năm.
Khí cầu Trung Quốc cũng bay trên bầu trời nhiều ngày trước khi bị bắn hạ, trong khi khí cầu thời tiết của Mỹ thường chỉ có thể ở trên trời khoảng 90 phút trước khi nổ tung.
Khi khí cầu thời tiết nổ tung, thiết bị radiosonde sẽ rơi xuống và bung một chiếc dù nhỏ để giảm bớt lực tác động khi tiếp đất. NWS thường đính kèm thiết bị này một bì thư để người dân tìm thấy nó gửi về cho cơ quan qua đường bưu điện.
Tùy thuộc vào thời điểm và tình hình thời tiết, các khí cầu thời tiết có thể di chuyển cách xa vài km cho tới hàng trăm km từ nơi được thả, hoàn toàn nương theo hướng gió. Trong khi đó, khí cầu Trung Quốc đã di chuyển hàng nghìn km, băng qua Thái Bình Dương và đi vào lục địa Mỹ theo đường bay phức tạp, cho thấy nó có cơ chế điều khiển lộ trình nhất định.
Theo NWS, mỗi khí cầu thời tiết của họ có giá khoảng 200 USD, tùy thuộc vào giá khí heli và hydro trên thị trường. Tuy nhiên, khí cầu Trung Quốc được cho là có chi phí cao hơn, dù giới chức Mỹ chưa đưa ra ước tính.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby thông báo nước này đang thu hồi các mảnh vỡ từ khí cầu Trung Quốc để phân tích và không có kế hoạch trả lại chúng cho Bắc Kinh.
Ngọc Ánh (Theo Fox News, TIME)