Cựu Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Ảnh: New American Media |
Một cuộc họp kín được tổ chức vào ngày 27/9/2011, thời điểm Bạc Hy Lai đã giành được sự ngưỡng mộ lớn từ một bộ phận người dân, trên cương vị là bí thư thành ủy thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh.
Ở Trùng Khánh, Bạc nổi tiếng đến độ ông cảm thấy mình có toàn quyền quyết định mọi việc, kể cả đưa ra những chính sách đi ngược lại với Bắc Kinh.
Trong cuộc họp ở Trùng Khánh, Bạc mời hàng chục nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh và nhiều nơi khác đến để cho ý kiến về những chính sách của thành phố, một người được mời kể lại.
Đúng như dự đoán, các vị khách mời không tiếc lời ca ngợi Bạc vì phong trào "nhạc đỏ" đã thu hút sự chú ý của cả nước và Bạc được dự kiến sẽ có mặt trong hàng ngũ những nhà lãnh đạo cao nhất của đảng sau kỳ đại hội đảng mùa thu năm 2012.
Tuy nhiên, bình luận cuối của một chuyên gia trong ngành truyền thông làm thay đổi hoàn toàn không khí của cuộc họp. Người này ủng hộ chủ trương cải cách mở cửa của trung ương, đối lập với những chương trình của Bạc ở Trùng Khánh.
"Sẽ là tốt hơn nếu giảm bớt màu sắc gợi nhớ đến hệ tư tưởng của thời Cách mạng Văn hóa", vị chuyên gia này phát biểu.
Bạc nhìn chằm chằm vào người này rồi nói: "Cha tôi từng bị lật đổ trong Cách mạng Văn hóa và chính bản thân tôi cũng phải vào tù. Hơn ai hết, tôi rất căm ghét Cách mạng Văn hóa. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng Trung Quốc ngày nay cần theo đuổi con đường do chủ tịch Mao Trạch Đông vạch ra".
Trên thực tế, đằng sau những thành tựu của quá trình cải cách, mở cửa của Trung Quốc là khoảng cách giàu nghèo bị nới rộng.
Ông Bạc đưa ra những chính sách để chia sẻ một chút lợi ích của sự phát triển kinh tế cho người nghèo, với danh nghĩa "theo đuổi con đường của chủ tịch Mao".
Khu nhà dành cho người thu nhập thấp ở ngoại ô Trùng Khánh. Ảnh: Asahi Shimbun |
Những nỗ lực của ông Bạc được mệnh danh là "mô hình Trùng Khánh". Những việc làm nhằm phân phối lại của cải được phần đông người dân ủng hộ, bởi họ thường cảm thấy sự bất công trong những chính sách của trung ương.
Một ví dụ nổi bật cho những nỗ lực của Bạc là việc mọc lên nhiều nhà cao tầng ở khu vực ngoại ô Trùng Khánh. Đây là dự án nhà ở công cộng do Bạc khởi xướng để cung cấp nhà cho những người thu nhập thấp.
Tiếng tăm của Bạc vẫn còn mãi trong lòng những người dân sống trong khu căn hộ ở đây, ngay cả khi ông đã bị cách chức.
"Ông Bạc đã tạo điều kiện cho những người thu nhập thấp. Tôi không biết ông ấy phạm tội gì nhưng tôi nghĩ rằng sẽ là sai lầm khi phủ nhận hết mọi công lao của ông ấy", Fang Xinping, 67 tuổi, không có việc làm, sống cùng vợ trong một căn hộ có hai phòng ngủ, nói.
Bạc đã lên kế hoạch bố trí nhà ở cho khoảng 2 triệu người và cho phép trả tiền thuê bằng 60% giá thị trường. Một chính sách khác để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn là chương trình hỗ trợ kinh doanh dành cho người dân Trùng Khánh đi làm ăn ở nơi khác trở về quê.
Những chương trình này trực tiếp ảnh hưởng đến những lãnh đạo ở trung ương vốn theo đuổi con đường cải cách của Đặng Tiểu Bình. Theo họ, không có gì sai trái khi một số người giàu hơn những người khác.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thể hiện việc trung ương không hài lòng với những chính sách của Bạc Hy Lai bằng cách không lần nào đến thăm Trùng Khánh trong suốt 4 năm thành công rực rỡ của Bạc tại đây.
Tuy nhiên, những chính sách của Bạc Hy Lai giúp đỡ cho người nghèo cũng phải trả giá. Chi tiêu của Trùng Khánh tăng nhanh chóng, thâm hụt ngân sách cao gấp 3 lần thủ đô Bắc Kinh. Một nguồn tin trong thành phố cho biết: "Chúng tôi đã thấu chi ngân sách của 20 năm tới".
Còn có một lý do khác khiến Bạc có thể tự do làm mọi điều mình muốn ở Trùng Khánh. Lý do này không liên quan đến gì đến phong trào "nhạc đỏ". Phong trào này được đặt ra để tiêu diệt những tội phạm có tổ chức trong thành phố.
Vũ Hà (theo Asahi Shimbun)
Đây là bài thứ 13 trong series của Asahi Shimbum, tìm hiểu về con đường tiến thân của chính trị gia mất chức Bạc Hy Lai tại Trung Quốc. Đọc thêm:
Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh
Bạc Hy Lai trên ghế bộ trưởng
Bạc Hy Lai cất cánh, nhà báo ở tù
Một mình khiêu chiến với Bạc Hy Lai
Bạc Hy Lai ôm mộng quyền lực
Bạc Hy Lai - kiến trúc sư của 'Đại Liên xinh đẹp'