Các hầm ngầm được trang bị đèn dầu để chống lại cái lạnh dưới 0°C. Binh sĩ được mặc áo giáp công nghệ cao có thể bảo vệ họ khỏi thời tiết khắc nghiệt cũng như hỏa lực của đối phương. Sàn đáp trực thăng được xây dựng để sẵn sàng sơ tán các binh sĩ ngã bệnh ở độ cao trên 4.800 m.
Thậm chí bên trong những chiếc xe tăng chủ lực T-72 và T-90 cũng là nơi trú ẩn ấm áp trước cái lạnh buốt giá trên dãy Himalaya. Đó là cuộc sống vào mùa đông trên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới chưa phân định nằm trên những dãy núi cao giữa Ấn Độ và Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới.
Khi hai bên chưa đạt giải pháp nào cho tranh chấp biên giới kéo dài suốt 8 tháng qua, quân đội Ấn - Trung đang phải dồn lực đối phó với giá rét, kẻ thù chung với khoảng 100.000 binh sĩ đóng quân ở độ cao lớn giữa mùa đông khắc nghiệt.
Hai nước từng trải qua cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt năm 1962 trên dãy Himalaya, với kết quả Trung Quốc giành quyền kiểm soát một khu vực lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Những năm sau đó, nhiều vụ đụng độ lẻ tẻ nổ ra tại khu vực biên giới Ấn - Trung, rồi đến các cuộc đàm phán và bình thường hóa quan hệ.
Tuy nhiên, một trận ẩu đả đẫm máu nhất suốt 6 thập kỷ qua nổ ra hồi tháng 6, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Ít nhất ba sư đoàn Ấn Độ và hai sư đoàn Trung Quốc được điều động lên khu vực biên giới sau vụ đụng độ, bất chấp hai nước đàm phán với nhau. Lần đầu tiên xe tăng được điều đến khu vực biên giới Ấn - Trung, động thái hiếm thấy trong các chiến dịch quân sự ở khu vực núi cao.
"Chúng tôi không chùn bước, bên kia cũng vậy. Chúng tôi sẽ khó có thể rút quân trong thời điểm này", cựu trung tướng Rakesh Sharma, từng chỉ huy quân đoàn 14 của lục quân Ấn Độ, cho biết. Quân đoàn 14 lục quân Ấn Độ đang đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ trên biên giới với Trung Quốc.
"Lý do bao gồm địa hình và chính trị. Các tuyến đường đèo chính của chúng tôi là Zojila và Rohtang đã bị đóng cửa vào mùa đông. Chúng tôi không thể rút quân bằng đường bộ, còn đường không là phương án quá đắt đỏ. Ấn Độ sẽ duy trì số binh sĩ như vậy trên biên giới tới mùa hè khi tuyết tan", Sharma nói.
Srikanth Kondapalli, giáo sư tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nói chưa rõ khi nào tình hình trên biên giới Ấn - Trung được giải quyết. "Họ đã chuẩn bị đối đầu trong thời gian dài. Điều này nghĩa là hai bên đều không vội vã giải quyết xung đột lần này", Kondapalli nói.
Các cuộc đàm phán diễn ra giữa sĩ quan cấp trung hai bên được tổ chức trong lều bạt tại khu vực biên giới, sau đó là cuộc hội đàm của ba bộ trưởng ở Moskva, Nga, người bạn của cả Ấn Độ và Trung Quốc. Các chỉ huy cấp cao của quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tổ chức vòng đàm phán thứ 8 hồi đầu tháng 11, song không đạt được kết quả đột phá. Hai bên chưa lên lịch cho cuộc hội đàm tiếp theo.
Biên giới Ấn - Trung chạy qua khu vực cao hơn 4.000 m so với mực nước biển và nhiệt độ có thể giảm xuống -40°C vào mùa đông. Truyền thông Ấn Độ đưa tin quân đội nước này đang thiết lập các "căn cứ thông minh", được trang bị máy sưởi và cấp điện để binh sĩ tiền tuyến chống chọi với cái lạnh.
Ấn Độ cũng đang xem xét dùng máy bay không người lái (UAV) để giám sát biên giới từ xa, do tuyết trên núi làm giảm tầm nhìn của lực lượng tuần tra.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường trong cuộc họp báo cuối tháng 11 cho biết tình hình hiện tại ở khu vực biên giới Ấn - Trung "nhìn chung vẫn ổn định", nhưng lại đề cập đến khả năng nước này tiếp tục duy trì binh sĩ trên biên giới với Ấn Độ trong mùa đông.
Tờ Global Times hôm 4/12 nhận định Trung Quốc và Ấn Độ cần đàm phán song phương trong vài năm để giải quyết xung đột biên giới. Nhận thấy tình trạng bế tắc có thể kéo dài, các lãnh đạo Trung Quốc đang chuyển hướng sang tạo dựng quan hệ thân thiết với những nước láng giềng của Ấn Độ.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm 1/12 tới thăm Pakistan, tuyên bố quân đội nước này "sẵn sàng đối mặt với rủi ro và thách thức cùng quân đội Pakistan", "cùng bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực". Chuyến thăm Pakistan, quốc gia đang căng thẳng với Ấn Độ, của ông Ngụy được cho là nhằm truyền tải thông điệp của Bắc Kinh tới New Delhi.
Trong khi đó, Ấn Độ tham gia nhóm Bộ Tứ cùng Mỹ, Nhật Bản và Australia, tìm cách hợp tác về an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bốn thành viên nhóm Bộ Tứ hồi tháng 11 lần đầu tiên cùng tham gia một cuộc diễn tập hải quân chung.
Ấn Độ cũng đang xem xét lại lập trường truyền thống về chính sách ngoại giao bình đẳng với tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc, và tiếp tục loại nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khỏi thị trường nội địa. Căng thẳng Ấn - Trung không chỉ kéo dài trên đỉnh Himalaya băng giá, mà đang dần định hình lại trật tự quốc tế, giới quan sát đánh giá.
Nguyễn Tiến (Theo Nikkei)