Sau khi Thế chiến I gây tổn hại nặng nề cho châu Âu, các nhà khoa học, triết gia và kỹ sư tin rằng họ có thể giải quyết những vấn đề nan giải của xã hội bằng những dự án tầm cỡ, trong đó có kiến trúc sư người Đức Herman Sorgel, người ấp ủ tham vọng tái định cư người dân trên một siêu lục địa Âu – Phi mới.
Kế hoạch có tên Atlantropa này được Sorgel phát triển lần đầu tiên vào năm 1927 khi ông 42 tuổi, với tên gọi ban đầu là Panropa. Lấy cảm hứng từ các dự án kỹ thuật khổng lồ như kênh đào Suez, tầm nhìn của Sorgel thậm chí được mở rộng hơn nữa.
Ông dự định xây một mạng lưới đập vắt ngang eo biển Gibraltar và rút bớt nước tại Địa Trung Hải. Các con đập cũng sẽ được bố trí trên eo biển Sicily, kết nối Italy với Tusisia. Những con đập khác trên eo biển Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp nối liền Hy Lạp với lục địa châu Á. Theo tầm nhìn của Sorgel, hệ thống đập sẽ tạo tiền đề kết nối châu Âu và châu Phi bằng mạng lưới đường bộ và đường sắt khổng lồ.
Kiến trúc sư Đức hy vọng với hơn 660.000 km2 đất mới và những con đập cung cấp đủ điện cho hơn 250 triệu người mỗi ngày, châu Âu sẽ bước vào một thời kỳ hoàng kim mới nhờ nguồn năng lượng dồi dào, không gian thừa thãi và nguồn lương thực bất tận từ đất canh tác mới. Ông còn đánh giá dự án tạo siêu lục địa là cách duy nhất giúp ngăn chặn cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo.
Ý tưởng của Sorgel xuất hiện trong bối cảnh dân số châu Âu gia tăng nhanh chóng từ 488 triệu lên 534 triệu người trong giai đoạn 1920-1930, bất chấp số người thiệt mạng lớn vì chiến tranh và đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1919.
Căng thẳng trên chính trường châu Âu cũng lên mức nghiêm trọng nhất trong nhiều thế kỷ. Những quốc gia như Ba Lan và Nam Tư giành độc lập sau hàng chục năm thuộc địa, khiến cư dân tại các đế chế cũ lo ngại không còn chỗ cho họ, cả về mặt không gian lẫn xã hội và văn hóa.
Bối cảnh đó khiến học thuyết Lebensraum, có nghĩa là "không gian sống", ngày càng thu hút giới chính trị gia Đức. Theo học thuyết này, yếu tố quan trọng nhất để một xã hội, khi đó được hiểu là một chủng tộc, tồn tại và phát triển là lãnh thổ, nhằm cung cấp không gian cho con người. Quan điểm này sau đó bị Đức quốc xã áp dụng một cách tàn bạo nhằm áp đặt sự thống trị.
Đối với vùng Trung Âu đông dân cư, khao khát có thêm không gian sống dẫn tới kết luận rằng nơi đây đơn giản là không đủ chỗ sinh sống. Do đó, những lời hứa hẹn mở rộng lãnh thổ nhờ dự án Atlantropa được coi như "viên đạn bạc" giải quyết sự bức bối của châu Âu.
Một trong những điều gây ngạc nhiên nhất là Sorgel thực sự nghiêm túc với kế hoạch rút bớt nước Địa Trung Hải. Năm 1929, ông xuất bản cuốn sách có tựa đề "Hạ thấp Địa Trung Hải, Tưới nước Sahara: Dự án Panropa", nhanh chóng thu hút sự chú ý, cũng như nghi ngờ, trên khắp châu Âu và vùng Bắc Mỹ.
Tới những năm 1930, khi các dự án kỹ thuật khổng lồ nở rộ, như việc xây dựng Đập Hoover tại Mỹ, hay kênh đào Bạch Hải - Baltic ở Liên Xô, Atlantropa dường như lại trở thành một ý tưởng hợp lý, thậm chí thú vị.
Dưới sự ủng hộ và hậu thuẫn tài chính từ nhiều người, cùng sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, Sorgel đã thành lập Viện Atlantropa và thu hút dư luận trong nhiều năm. Các bài báo về Atlantropa thường được minh họa bằng màu sắc sống động, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của vợ Sorgel, một nhà môi giới nghệ thuật.
Mặc dù kế hoạch "siêu thực" của Sorgel được nhiều người châu Âu đánh giá là "nhìn xa trông rộng", quan điểm của kiến trúc sư này về quốc gia và chủng tộc lại bị coi là cổ hủ đến mức cực đoan. Khác với đảng Quốc xã, Sorgel tin rằng mối đe dọa chính với Đức không phải người Do Thái, mà là châu Á. Theo ông, thế giới nên và sẽ phân chia một cách tự nhiên thành ba khối, bao gồm châu Mỹ, châu Á và Atlantropa.
Với những con đập và cây cầu được xây dựng như kế hoạch của Sorgel, toàn bộ những khu vực và nền văn hóa từng tập trung xung quanh biển suốt nhiều thế kỷ sẽ bị bao quanh bởi đất liền. Việc chuyển hướng dòng nước còn đồng nghĩa với người dân tại một số khu vực sẽ mất nhà cửa.
Sorgel còn đề xuất chặn sông Congo và làm ngập vùng Trung Phi mà không hề nghĩ tới hàng chục triệu người sinh sống tại đó. Thay vào đó, nguồn nước sẽ được chuyển hướng sang Sahara, tạo thành các hồ nước ngọt rộng lớn, biến sa mạc khô cằn thành đất nông nghiệp.
Theo tưởng tượng của Sorgel về Atlantropa, người châu Âu da trắng đương nhiên sẽ trở thành chủng tộc thống trị, sử dụng người châu Phi da đen làm nguồn lực lao động và hoàn toàn tách biệt với họ.
Sorgel từng trình bày ý tưởng với Đức quốc xã, tin chắc rằng họ sẽ ủng hộ ông. Tuy nhiên, ngay cả với mức độ tàn ác mà Sorgel dự định đối xử với người dân châu Phi, kế hoạch của ông dường như vẫn mềm mỏng so với suy nghĩ của quân phát xít. Ngoài ra, nỗ lực hướng sự chú ý của Đức quốc xã vào châu Phi của Sorgel không phù hợp với mục tiêu khi đó của Adolf Hitler là đánh bại Liên Xô.
Năm 1939, Sorgel tiếp tục nỗ lực quảng bá ý tưởng của mình bằng bài phát biểu tại Hội chợ Thế giới ở New York, Mỹ. Tuy nhiên, do không có sự hỗ trợ chính thức, ông không thể làm bất cứ điều gì để hiện thực hóa kế hoạch. Tới tận lúc Thế chiến II chấm dứt, giấc mộng Atlantropa của kiến trúc sư Đức dường như vẫn bất khả thi.
Sau khi khói bụi của cuộc chiến tàn khốc lắng xuống, Sorgel nhận thấy niềm hy vọng đang tràn ngập châu Âu. Thất bại của chủ nghĩa phát xít và sự trỗi dậy của năng lượng hạt nhân hứa hẹn một tương lai tươi sáng và sung túc, khiến ông vội vã thúc đẩy ý tưởng của mình một lần nữa.
Atlantropa thu hút sự quan tâm của nhiều chính trị gia và nhà tài phiệt, nhưng ngay cả sau khi Đức quốc xã sụp đổ, Sorgel vẫn không chịu rút lại những yếu tố phân biệt chủng tộc trong tầm nhìn của ông. Trên hết, thế giới khi đó được cho là đang vận động theo hướng thực tế hơn.
Sự xuất hiện của các lò phản ứng hạt nhân dường như là dấu hiệu cho hồi kết của Atlantropa, khi chúng giúp châu Âu tiếp cận với những nguồn năng lượng dồi dào và thiết thực hơn nhiều so với một mạng lưới đập khổng lồ. Năng lượng thủy điện trở nên lỗi thời, giấc mộng của Sorgel không bao giờ thành hiện thực.
Trước khi ra đi, Sorgel đã viết thêm 4 cuốn sách, hàng nghìn bài báo và trình bày vô số bài giảng về siêu lục địa Atlantropa. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực không mệt mỏi của ông, ý tưởng này dần lụi tàn.
Tối 4/12/1952, khi đang đạp xe tới Đại học Munich để giảng bài, Sorgel bị một tài xế đâm trúng và tử vong. Năm 1960, Viện Atlantropa đóng cửa.
Ánh Ngọc (Theo ATI)