Trong giai đoạn cuối Thế chiến II, Đức quốc xã ngày càng trở nên tuyệt vọng do nguồn lực ngày càng cạn kiệt mà vẫn không thể đánh bại được Liên Xô. Các lãnh đạo Đức Quốc xã quyết định triển khai cách tiếp cận mới để đối đầu với Hồng quân.
Năm 1943, Đức tập hợp "kho báu vô giá" của họ là các nhà khoa học, nhà toán học, kỹ sư, kỹ thuật viên và 4.000 chuyên gia về tên lửa, sau đó đưa tất cả tới cảng Peenemunde bên biển Baltic, phía bắc đất nước, để phát triển chiến lược phòng thủ dựa vào công nghệ chống lại Liên Xô.
Werner Osenberg, lãnh đạo Hiệp hội Nghiên cứu Quốc phòng Đức, là người chịu trách nhiệm xác định những nhà khoa học sẽ được tuyển, bằng cách tạo ra một danh sách hoàn chỉnh được xem xét kỹ lưỡng. Tiêu chí được đặt lên hàng đầu là họ phải ủng hộ, hoặc ít nhất phù hợp với hệ tư tưởng của Đức quốc xã. Tài liệu này còn được gọi là Danh sách Osenberg.
Trong khi đó, Mỹ ngày càng nắm rõ hơn về chương trình vũ khí sinh học bí mật của Đức. Theo cuốn sách "Chiến dịch Kẹp giấy" xuất bản năm 2014 của tác giả Annie Jacobsen, những phát hiện về chiến lược phát triển khoa học của Đức khiến Mỹ ngỡ ngàng đến mức quyết định hành động.
"Chiến dịch Kẹp giấy trên thực tế bắt đầu từ khi Mỹ nhận ra Hitler cho chế tạo cả kho chất độc thần kinh, đồng thời đang nghiên cứu một vũ khí gây bệnh dịch hạch. Lầu Năm Góc đột nhiên nghĩ đến khả năng thâu tóm những vũ khí đó cho chính họ", Jacobsen viết.
Năm 1945, thời điểm quân Đồng minh dần giành lại lãnh thổ trên khắp châu Âu cũng là lúc Mỹ bắt đầu thu thập thông tin tình báo và công nghệ của Đức. Tháng 3/1945, một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm người Ba Lan phát hiện những mẩu giấy của Danh sách Osenberg bị nhét vội trong nhà vệ sinh tại Đại học Bonn ở Đức, sau đó giao cho tình báo Mỹ.
Ban đầu, Mỹ chỉ quan tâm tới việc bắt và thẩm vấn những nhà khoa học được xác định trong Danh sách Osenberg, trong một nhiệm vụ có tên Chiến dịch Mây mù. Tuy nhiên, sau khi ý thức được trình độ công nghệ của Đức Quốc xã, kế hoạch đã nhanh chóng thay đổi. Mỹ quyết định tập hợp và tuyển mộ những người này, đưa cả họ và gia đình tới Mỹ để tiếp tục nghiên cứu cho Washington.
Do đó, vào ngày 22/5/1945, quân Đồng minh đã tấn công cảng Peenemunde và bắt những nhà khoa học, khi đó đang miệt mài nghiên cứu tên lửa V-2, tên lửa đạn đạo dẫn đường tầm xa đầu tiên trên thế giới.
Cơ quan Mục tiêu Tình báo Liên quân (JIOA) mới được thành lập và Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), được chỉ định tiếp quản nhiệm vụ giờ đây chính thức được đặt tên là Chiến dịch Kẹp giấy.
Dù đã phê chuẩn chiến dịch, Tổng thống Harry Truman vẫn yêu cầu không được tuyển bất cứ ai từng dính líu tới Đức quốc xã. Tuy nhiên, sau khi nhận ra đa số nhà khoa học mà họ cần trong Danh sách Osenberg đều ủng hộ phát xít, JIOA đã tìm cách lách luật.
Cơ quan này không kiểm tra kỹ lý lịch của bất cứ nhà khoa học nào trước khi đưa họ đến Mỹ, đồng thời xóa những bằng chứng về tội ác nếu phát hiện ra chúng trong hồ sơ của họ. Hơn 1.600 nhà khoa học Đức được cho là đã tới Mỹ trong khuôn khổ Chiến dịch Kẹp giấy.
Những nhà khoa học được tuyển trong chiến dịch bao gồm chuyên gia tên lửa hàng đầu Đức Wernher von Braun, người từng ép các tù nhân tại trại tập trung Buchenwald làm việc cho chương trình tên lửa của ông. Nhiều tù nhân đã chết vì làm việc quá sức hoặc đói. Tuy nhiên, Braun sau này vẫn trở thành giám đốc Trung tâm Bay Vũ trụ Marshall thuộc NASA.
"Chính phủ Mỹ, đặc biệt là NASA, đã đồng lõa trong việc tẩy trắng quá khứ của Braun", tác giả Jacobsen nhận xét. Theo phóng viên điều tra này, Braun suýt được trao Huân chương Tự do của Tổng thống dưới thời Gerald Ford. Tuy nhiên, sự phản đối của một cố vấn cấp cao đã khiến Ford xem xét lại quyết định.
Sau khi tới Mỹ vào năm 1945, Braun làm việc trong lĩnh vực tên lửa cho quân đội nước này tại Fort Bliss, bang Texas, chịu trách nhiệm giám sát các cuộc thử nghiệm tên lửa V-2.
Năm 1960, ông được điều chuyển sang NASA và giúp cơ quan này phóng những vệ tinh đầu tiên lên không gian vào ngày 20/7/1969, một phần trong nỗ lực chiến thắng cuộc đua về lĩnh vực vũ trụ của Mỹ. Do đó, Braun được giới chức Mỹ công nhận là tài sản trí tuệ vô giá, sống trong yên bình tới khi chết vì ung thư tuyến tụy vào năm 1977.
Ngoài Braun, các cựu thành viên đảng Quốc xã Đức cũng có mặt trong gần như mọi bộ phận chủ chốt tại Trung tâm Bay Vũ trụ Marshall. Kurt Debus, cựu thành viên lực lượng SS của Đức quốc xã, chịu trách nhiệm điều hành bãi phóng hiện nay là Trung tâm Vũ trụ Kennedy.
Otto Ambros, nhà hóa học được trùm phát xít Hitler trọng dụng, từng bị xét xử tại thành phố Nuremberg của Đức vì tội giết người hàng loạt, nhưng cuối cùng được khoan hồng nhằm phục vụ tham vọng khám phá vũ trụ của Mỹ. Ambros sau này thậm chí được trao một hợp đồng với Bộ Năng lượng Mỹ.
Hầu hết thông tin về Chiến dịch Kẹp giấy vẫn chưa được tiết lộ, trừ các chi tiết trong cuốn sách của Jacobsen. Suốt những năm cuối thế kỷ trước, các nhà báo đã nỗ lực "vén màn bí mật" về chiến dịch, nhưng quá trình tìm kiếm tư liệu của họ thường gặp phải vấn đề pháp lý. Ngay cả khi yêu cầu cung cấp tài liệu được đáp ứng, chúng cũng thiếu sót rất nhiều.
Nhiều nhà nghiên cứu Đức liên quan đến vụ diệt chủng Holocaust, nhưng được JIOA "tẩy trắng", sau đó được cho là phục vụ MK Ultra, chương trình tuyệt mật do CIA hậu thuẫn với mục tiêu chính là tạo ra một loại thuốc kiểm soát tâm trí, nhằm chống lại Liên Xô và các đối thủ khác.
Những người bảo vệ Chiến dịch Kẹp giấy biện minh rằng JIOA chỉ tuyển những nhà khoa học theo xu hướng ôn hòa, nhưng tuyên bố này bị cho là không chính xác. Năm 2005, một nhóm công tác do tổng thống Bill Clinton thành lập kết luận trước quốc hội Mỹ rằng quan điểm chỉ có vài "con sâu làm rầu nồi canh" trong Chiến dịch Kẹp giấy "mâu thuẫn với tài liệu mới".
Ánh Ngọc (Theo ATI)