Tháng 11/2019, Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng) có kế hoạch xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn với một phần diện tích nằm ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Trước việc ông Lê Đình Kình tổ chức nhóm khiếu kiện, tranh chấp đất quốc phòng ở khu vực này đã từ lâu, đơn vị đề nghị Công an Hà Nội hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự.
Tại bản kết luận điều tra vụ án ký ngày 5/6, Công an Hà Nội cho hay ông Kình là chủ mưu. Lê Đình Công (56 tuổi, con ông Kình) bàn với nhiều người trong thôn Hoành, xã Đồng Tâm, việc mua lựu đạn và chuẩn bị vũ khí với mục đích "tấn công, tiêu diệt công an" đến làm nhiệm vụ. Ông Công giao Nguyễn Quốc Tiến (Tiến "Mạ", 40 tuổi) mua lựu đạn.
Tháng 12/2019, những người này lập kế hoạch và chuẩn bị công cụ, vũ khí. Ông Kình đưa tiền cho Lê Đình Doanh dặn mua 10 dao phóng lợn và làm hơn 10 tuýp sắt để gắn dao. Ông Công chế tạo "bom xăng" bằng cách đổ xăng vào chai thuỷ tinh, nút lại bằng giẻ.
Ngày 8/1, họ đã chuyển 70 lít xăng, 10 tuýp sắt gắn dao phóng lợn, 10 bao tải đựng gạch, đá cùng pháo, vôi bột và ớt bột đến tập kết ở nhà ông Kình. Video được phát trực tiếp trên mạng cho thấy, nhiều người trong nhóm của ông Kình đã đe doạ sẽ tấn công nếu công an tiến vào làng Đồng Tâm.
Ông Công tuyên bố nếu công an đưa quân vào, những người chống đối không chỉ bắt như lần trước mà "sẽ tiêu diệt". Tại các cuộc họp bàn ở nhà mình, ông Kình chỉ đạo "nếu chưa làm rõ được nguồn gốc đất thì kẻ nào mà nhảy vào cướp đất sẽ cho trắng lưng, ngửa bụng. Chỉ cần giết được ba thằng là chạy hết".
Ngày 8/1, ông Công gọi những người trong "Tổ đồng thuận" tập trung tại nhà ông Kình và thống nhất khi nào công an đến sẽ đồng loạt lên mái nhà tấn công. "Tổ đồng thuận" do ông Kình, Công và Bùi Viết Hiểu lập ra để phục vụ việc khiếu kiện, tranh chấp đất quốc phòng tại Đồng Tâm.
Sau hai tháng chuẩn bị, khoảng 3h ngày 9/1, biết công an tiến vào Đồng Tâm, ông Công, Hiểu dùng Facebook phát trực tiếp thông báo kêu gọi dân làng cùng chống đối. Họ trèo lên mái nhà ông Kình và bắn pháo, ném "bom xăng", dao phóng lợn về phía cảnh sát, đánh kẻng báo động..., kết luận điều tra xác định.
Cảnh sát nhiều lần dùng loa phát thanh kêu gọi nhóm chống đối chấm dứt hành vi và ra đầu thú nhưng bất thành. Tổ công tác gồm đại tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động), thượng úy Dương Đức Hoàng Quân (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động), đại úy Phạm Công Huy (cán bộ phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an Hà Nội) cùng một số chiến sĩ đột kích từ vào nhà ông Kình từ nhiều hướng.
Công an Hà Nội cho hay, khi cảnh sát mở cửa sổ tầng 2 nhà hàng xóm Lê Đình Hợi để trèo sang mái nhà ông Lê Đình Chức, ông Công đứng ở mái nhà ông Kình đã ném lựu đạn nhưng không nổ.
Ba cảnh sát Thịnh, Quân và Huy áp sát mái nhà ông Chức thì bị ông ta và nhiều người ném "bom xăng", gạch đá và dùng dao phóng lợn chọc. Ba cảnh sát rơi xuống hố sâu 4 mét giữa nhà ông Hợi và Chức.
Theo kết luận điều tra, thấy ba cảnh sát trong hố, ông Chức và Doanh trút xăng xuống, châm lửa. Khi các chiến sĩ cầu cứu qua bộ đàm, đề nghị đồng đội đưa quân vào cứu, ông Chức đổ thêm xăng, lửa bùng dữ dội. Ba cảnh sát bị thiêu cháy.
Khi các lực lượng cảnh sát tiến vào từ nhiều hướng, nhóm người trên nóc nhà ông Kình dùng hung khí, lựu đạn chống trả. Cảnh sát phá cửa, sử dụng đạn hơi cay, nổ súng tấn công.
Về nguyên nhân chết của ông Kình, bản kết luận của cơ quan điều tra nêu: Ông Kình đang cầm một quả lựu đạn trong lúc chống trả. Ở khoảng cách 2-2,5 mét, lực lượng làm nhiệm vụ nổ hai phát súng. Khi tiếp cận hiện trường, cảnh sát "phát hiện ông đã chết".
Kết luận giám định pháp y xác định, ba cảnh sát tử vong do "ngạt khí và cháy than hóa toàn thân". Ông Kình chết vì "hậu quả của hai vết thương".
Công an Hà Nội kết luận vụ án bắt nguồn từ khiếu kiện đất đai. Nhiều năm, chính quyền xã buông lỏng, có sơ hở trong quản lý dẫn đến việc lấn chiếm, xây dựng trên đất quốc phòng. Nhiều cuộc làm việc của thành phố Hà Nội, Bộ Quốc phòng, huyện Mỹ Đức giải thích khu đồng Sênh tại xã Đồng Tâm là "đất quốc phòng", song bị phản ứng.
Đồng Tâm trở thành "điểm nóng" về an ninh trật tự trong thời gian dài. Hệ thống chính trị cơ sở "bị tê liệt. Ông Kình được cho là đứng đầu một nhóm khoảng 30 người thường xuyên chống đối; khiếu kiện. Ngày 15/4/2017, 38 cảnh sát cơ động, cán bộ khi đến đây đã bị nhóm chống đối vây giữ trong nhà văn hóa thôn suốt 7 ngày.
Ngày 5/6, Công an Hà Nội hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKS đề nghị truy tố ông Công cùng 28 người liên quan vụ tấn công khiến ba cảnh sát hy sinh. Trong 29 người, 25 trường hợp bị đề nghị truy tố về tội Giết người với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
4 trường hợp bị truy tố về tội Chống người thi hành công vụ, khung hình phạt từ hai năm đến 7 năm tù.
Ông Kình do đã chết nên không đề cập xử lý.