Khi chồng chạy vào bếp, Joan, 54 tuổi, đã gục ngã dưới đất. Bà hoảng loạn, lấy tay ôm chặt ngực nhưng không thể ngăn được màu đỏ thẫm loang dần trên áo.
"Hãy nhìn chúng làm gì em này... có thể còn những người khác nữa", Joan khóc và nói với chồng. Giọng ngày càng rời rạc.
Chỉ vài phút trước, Joan còn rất vui mừng vì tưởng được các con tặng cho cuốn sách nấu ăn, do cuối tuần ấy chính là dịp lễ Ngày Của Mẹ. Joan chết trên bàn mổ vào chiều hôm ấy, ngày 7/5/1982. Trong thi thể, bác sĩ gắp được hai viên đạn cỡ 5,6 mm, một viên găm vào tim. Tường phòng bếp có găm viên đạn thứ ba.
Cái chết của Joan lập tức thu hút sự chú ý của nhà chức trách, chủ yếu là do hung khí được ngụy trang trong cuốn sách bìa cứng. Cuốn sách được bọc trong bưu kiện và gửi qua đường bưu điện. Tên người nhận là Joan, trú quận Brooklyn, thành phố New York. Địa chỉ người gửi là ở quận Staten Island, cũng thuộc New York.
Hung khí thuộc dạng "súng tự chế" – loại súng có thể có nhiều kiểu dáng khác nhau như được ngụy trang trong bút bi hoặc trong gậy chống. Trong trường hợp của Joan, "khẩu súng" được đặt trong sách.
Cuốn sách này chỉ nhỏ hơn cuốn niên giám điện thoại một chút. Sau trang bìa có dòng chữ in hoa viết tay với nội dung đe dọa: "Joan à, mày chết rồi. Howard, Craig, và Doreen sẽ theo sau".
Ruột cuốn sách dày bị khoét gần hết, bên trong đặt hai cục pin tiểu được đấu dây trực tiếp với ba ống thép. Mỗi ống thép được nhồi lượng thuốc súng gấp đôi bình thường cùng một viên đạn cỡ 5,6 mm không vỏ. Hai ống thép chĩa về hướng người mở sách, ống thứ ba hướng về gáy sách. Khi cuốn sách được mở, mạch điện bên trong được khép kín. Thuốc súng bị đốt cháy, khiến viên đạn bắn ra khỏi ống thép.
Sự nghi ngờ của cảnh sát lập tức rơi vào chồng nạn nhân, Howard Kipp. Theo báo chí, Howard rất cởi mở với nhà chức trách. Ông giao nộp nhật ký của vợ và thậm chí cả chìa khóa ra vào công ty. Điều tra viên mau chóng loại Howard khỏi diện tình nghi.
Tiếp theo, điều tra viên hướng sự chú ý vào con trai nạn nhân, Craig Kipp, 28 tuổi. Craig từng làm cho công ty của bố mẹ nhưng bị đuổi vì làm việc không tốt nên có thể sinh lòng thù oán. Anh ta còn là thợ điện trên tàu thuyền nên có thể có đủ kỹ năng để chế quả "bom sách".
Chuyên gia chữ viết của điều tra viên cho rằng dòng chữ đe dọa giống mẫu chữ của Craig. Ngoài ra, cảnh khuyển cũng ngửi thấy cùng mùi thuốc nổ trên một chiếc tất thuộc về Craig.
Tuy nhiên, mọi chứng cứ buộc tội Craig đều mất giá trị vào tháng 6/1983. Ba chuyên gia chữ viết khác được gia đình Kipp mời đến đều cho rằng dòng chữ đe dọa không giống chữ của Craig. Theo họ, việc so sánh đối chiếu chữ in hoa là gần như không thể. Chứng cứ về cảnh khuyển cũng gặp số phận tương tự. Không còn chứng cứ đáng kể, công tố viên buộc phải hủy cáo trạng với Craig.
10 năm sau cái chết của Joan, cảnh sát New York mới gặp lại thủ đoạn của kẻ đánh bom bí ẩn trong vụ án của gia đình Lenza, trú tại Staten Island.
Ngày 15/10/1993, khi vừa mở chiếc hộp nhung màu xanh đựng đồng xu kỉ niệm bên trong, Anthony Lenza bị viên đạn cỡ 5,6 mm bắn trúng. Hai người khác trong gia đình, trong đó có bé gái 11 tuổi, cũng bị thương vì mảnh đạn. Cả ba đều sống sót.
Bưu kiện đựng hộp được đóng dấu bưu điện ở Staten Island, cùng nơi sống của gia đình Lenza. Qua xem xét, các chuyên gia nhận ra quả bom trong hộp lần này với quả bom trong sách trong vụ án nhà Kipp do cùng một kẻ chế tạo.
Tháng 4/1994, kẻ bí ẩn lại ra tay. Ngày 5/4/1994, Alice Caswell, 75 tuổi, đi bộ ra ngoài cửa trước căn nhà ở quận Brooklyn để lấy thư. Lúc này, Caswell bắt gặp bưu kiện được gửi cho anh trai bà, người đã chuyển nhà từ 15 năm trước. Tò mò, Caswell mang bưu phẩm vào trong nhà và mở ra.
Sau lớp giấy gói bưu kiện cũng là chiếc hộp nhung màu xanh dương, loại hộp thường được dùng để đựng đồng xu hoặc huy chương kỷ niệm. Khi hộp vừa mở, một tiếng nổ vang lên, Caswell ngã gục xuống sàn vì viên đạn 5,6 mm găm vào bụng. Nhưng bất chấp tuổi tác, cụ bà 75 tuổi vẫn có thể bò đến cửa hàng xóm cầu cứu. Bà sống sót sau vụ tấn công.
Hơn một năm sau, một vụ đánh bom nữa lại xảy ra nhằm vào Stephanie Gaffney, 18 tuổi, bà mẹ bầu 8 tháng sống tại quận Queens, New York. Ngày 27/6/1995, Gaffney quyết định ra ngoài lấy thư với hy vọng cơn đau bụng sẽ thuyên giảm.
Trong hòm thư có một bưu kiện được gửi từ quận Manhattan, New York. Người nhận là "Gilmore", tên ông ngoại Gaffney. Bên trong bưu kiện là cuốn sách bìa cứng màu xanh dương. Khi thiếu nữ vừa mở sách, ba viên đạn cỡ 5,6 mm bắn ra.
Gaffney bị mảnh đạn văng vào nhưng không trúng chỗ yếu hại. Tuy vậy, cô gái vẫn lên cơn chuyển dạ và lập tức được đưa tới bệnh viện. Gaffney sinh con vào cùng ngày. Cô nói may mắn sống sót vì đã mở sách ở góc nghiêng nên tránh được ba ống thép.
Vụ đánh bom cuối cùng xảy ra vào ngày 20/6/1996. Bưu kiện lần này là cuốn băng cát-xét được gửi cho Richard Basile, nhân viên bất động sản đã nghỉ hưu tại quận Brooklyn. Richard có thể tránh được đạn nhờ mở bưu kiện từ khoảng cách xa. Hai viên đạn cỡ 5,6 mm chỉ làm cửa kính vỡ toang.
"Nếu mở bưu kiện từ một hướng khác, ông ấy đã trúng hai viên đạn vào bụng", người đưa thư cho Basile nói.
Sau lần tấn công vào Richard Basile, chuỗi vụ đánh bom cũng chấm dứt. Nguyên nhân đằng sau không bao giờ được làm rõ.
Trong cuộc điều tra vào kẻ đánh bom bí ẩn, cảnh sát có đưa ra một số giả thuyết. Một trong số giả thuyết này có liên quan mật thiết với nghi phạm có tên Steven Wavra.
Năm 1995, Wavra bị bắt vì khoét ruột cuốn sách trong thư viện quận Brooklyn để chế tạo bẫy giống thiết bị giết chết Joan Kipp. Nhưng thay vì nhồi đạn, thiết bị của Wavra dùng dao cạo. Ngoài ra, Wavra cũng từng ngồi tù vì tàng trữ đạn dược, gồm bốn viên đạn cỡ 5,6 mm, cùng cỡ đạn kẻ đánh bom hay sử dụng.
Hồi cấp 3, Wavra học ở trường nơi Joan làm tư vấn tâm lý. Wavra nói "không có thù hận gì với Joan" trong thời gian này. Tuy nhiên, hắn từng bị đúp hai năm tại ngôi trường nơi Joan làm việc.
Lỗ hổng trong giả thuyết này là việc tại thời điểm Joan chết, Wavra đang ngồi tù. Một số điều tra viên cho rằng Wavra có thể tuồn những bộ phận chế tạo bom sách ra ngoài nhà tù. Đồng bọn của Wavra ở ngoài sẽ phụ trách lắp ráp và gửi cho nạn nhân. Nếu vậy, tại sao Wavra có thể tuồn được bộ phận chế súng ra ngoài trong khi thư từ gửi đi từ nhà tù sẽ bị kiểm tra và kiểm duyệt?
Sự ngẫu nhiên của 5 vụ tấn công là điều khiến nhà chức trách gặp khó khăn nhất. Giữa các nạn nhân dường như không có mối liên hệ nào, trừ việc đa số họ từng có thời gian làm công chức hoặc quân đội. Ngoài ra, tại sao hung thủ chờ 10 năm sau vụ đánh bom đầu tiên rồi mới gây ra liên tiếp bốn vụ khác.
Cách các nạn nhân trả lời phỏng vấn cảnh sát cũng đáng chú ý. Họ dường như rất dè dặt, không hợp tác, và chỉ muốn bỏ lại vụ tấn công sau lưng. Điều này khiến làm phát sinh giả thuyết kẻ tấn công biết bí mật đen tối của nạn nhân và muốn tống tiền. Những quả bom là cách uy hiếp khi nạn nhân bị từ chối.
Nếu đúng như vậy, giả thuyết này có thể lý giải lời nói trước khi chết của Joan Kipp về việc "có những người khác nữa". Có thể Joan là thành viên đường dây tội phạm nào đó và đã bị hung thủ tống tiền. Nhưng gia đình và một số đồng nghiệp bác bỏ giả thuyết này vì Joan luôn nhiệt tình giúp đỡ người khác và sống cuộc sống khá bao bọc.
Đến nay, nhà chức trách vẫn không có chứng cứ chắc chắn đối với bất cứ giả thuyết nào. Sau gần 40 năm, danh tính kẻ đánh bom bí ẩn tại thành phố New York vẫn còn là bí ẩn chưa được giải mã.
Quốc Đạt (Theo New York Times, New York Daily News)