Sau 6 tháng làm trái nghề, từ sửa chữa nội thất, bán đồ ăn vặt, cơm phần, bún thịt nướng, chuỗi Icool ở TP HCM quyết định quay lại dịch vụ kinh doanh cốt lõi là karaoke. Do chưa được phép đón khách, họ ship dàn máy đến tận nhà.
Chuỗi này hiện cho thuê các dàn máy karaoke với chi phí từ khoảng 3 đến 12 triệu đồng, theo các gói thời gian như ba ngày, một tuần hay một tháng. "Thiết bị luôn sẵn sàng, nếu khách không đến được, chúng tôi sẽ mang đến", chị Thùy Dương - Đại diện bộ phận kinh doanh Icool cho biết.
Do mới triển khai nên chuỗi này còn đang chờ thêm thời gian để đánh giá phản hồi thị trường. Tuy nhiên, bà Dương tỏ ra lạc quan vì các thiết bị karaoke cơ bản mà các gia đình sẵn có thường ở tầm "chấp nhận được". Ít gia đình trang bị một dàn âm thanh đắt tiền để hát.
"Trong trường hợp khách trải nghiệm tốt thì có thể sắm hẳn dàn âm thanh như vậy. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp cho khách nhưng với mức chi phí hợp lý và đội ngũ kỹ thuật túc trực hỗ trợ", bà Dương kỳ vọng.
Tung ra dịch vụ "mang về" là một cách cố xoay xở mở của Icool trong bối cảnh 600 nhân sự của 20 chi nhánh đang nhận mức trợ cấp thấp từ công ty. Thời gian qua, chuỗi này bán đồ ăn, sửa nội thất chỉ để nhân viên có việc làm chứ không kham được tiền bảo trì cơ sở vật chất, mặt bằng, lãi vay.
"Thực tế doanh thu từ bán thức ăn chỉ mang tính chất duy trì. Chúng tôi đang vay mượn rất nhiều để trợ cấp cho nhân viên, duy trì máy móc và cơ sở vật chất, nguy cơ rơi vào tình trạng kiệt quệ, có thể phải đóng cửa", bà Dương nói.
Trong năm 2021, ngành karaoke ở TP HCM bị dừng hoạt động liên tục gần sáu tháng nay. Toàn bộ 500 quán karaoke, 180 bar và vũ trường đã tắt đèn, đóng cửa.
Trên các cộng đồng sang nhượng, đã có một vài cơ sở karaoke nhỏ lẻ gia đình ở TP HCM quyết định rao bán. Tên fanpage chính thức, chuỗi Nnice đăng thông tin hơn 500 nhân viên thất nghiệp, đang mưu sinh bằng mọi cách để tồn tại. Chuỗi này bày tỏ nguyện vọng ngành karaoke sớm được hoạt động lại.
"Ngành này có nguy cơ bị xóa sổ nếu sau 9 tháng mà cứ tiếp tục không được kinh doanh", bà Dương của Icool nói.
Không chỉ có karaoke, các quán bar, quán rượu, bia thủ công cũng tìm cách bán mang về một phần các sản phẩm cốt lõi, song song với việc bán rau củ quả hay thực phẩm. Số ít trong hàng trăm cơ sở kinh doanh các loại hình này trên các khu vực ở "phố Tây" Bùi Viện - Đề Thám, "phố Nhật" Lê Thánh Tôn (cùng thuộc quận 1) hay khu Thảo Điền (Thành phố Thủ Đức) bán các loại thức uống có cồn pha chế thủ công và đóng chai, nhưng với công suất thấp.
Chị Vũ Trần Quỳnh Anh, chủ quán bar Con Voi (Thảo Điền) cho biết, để có nguồn thu, cơ sở bán cả cocktail đóng chai các loại. Tuy nhiên, doanh thu mang về chỉ bằng 10% so với khi quán hoạt động bình thường. "Việc bán online chỉ có thể cầm cự để trang trải chi phí mặt bằng (được giảm) trong mùa dịch, chứ hoàn toàn không mang lại lợi nhuận", chị nói.
Lý do là đối tượng khách hàng để quán bar có thể bán mang đi rất hạn chế. Loại hình kinh doanh này chủ yếu là bán nơi giải trí bằng cách nghe nhạc, nhảy múa và gặp gỡ.
"60% lý do khách đến quán là vì không gian và tương tác", chị Quỳnh Anh nói. Chị đang hy vọng sang tháng 11, dịch vụ ăn uống có thể được phục vụ tại chỗ, cũng như mở lại các hoạt động khác trong lĩnh vực giải trí.
Giới kinh doanh quán bar, quán rượu, beer club hay beer thủ công cũng thừa nhận, bán mang đi, bán online không phải hướng khả thi cho ngành này. "Đồ uống chỉ là một phần để khách đến quán chứ quan trọng hơn là không gian, không khí, âm nhạc, mấy thứ đó không ship được. Nên giờ có bán đồ uống cũng chỉ là nhắc nhớ sự tồn tại của thương hiệu trong đầu khách quen mà thôi", anh Nguyễn Minh, một người có thâm niên 10 năm trong ngành bar cho biết.
Bản thân anh Minh cũng có một lounge và một quán nhậu tại quận 1. Tuy nhiên, anh không bán mang về vì thấy mất công mà không hiệu quả. Sau gần 6 tháng đóng cửa, anh trả một nửa tiền mặt bằng lounge cho chủ nhà trong tháng 5 và 6. Các tháng còn lại hiện chưa có khả năng thanh toán. Chi phí điện, nước để duy trì các tủ đông bảo quản anh nhờ chủ nhà cấn trừ vào tiền cọc.
"Tôi kinh doanh việc khác lúc này, còn lounge thì đóng đó chờ thời. Khi nào chính quyền cho phép mở lại, tôi mở lại quán, đóng đủ tiền nhà từ khi bắt đầu mở lại nếu chủ nhà đồng ý thương lượng lại phần nợ các tháng đã thiếu. Còn nếu chủ nhà bắt buộc phải trả đủ nợ suốt nửa năm qua thì tôi đành trả tiền và cả mặt bằng, nghỉ kinh doanh", anh nói. Theo anh Minh, nhiều bạn bè trong ngành cũng đang tính đến hướng này.
Theo Chỉ thị 18 của TP HCM về mở cửa một số hoạt động từ ngày 1/10, các quán bar, karaoke, vũ trường, dịch vụ ăn uống tại chỗ, tiếp tục dừng hoạt động. Hôm 19/10, Sở Công Thương kiến nghị cho cơ sở dịch vụ ăn uống được bán phục vụ tại chỗ, trừ loại hình kinh doanh bia, rượu.
Các hàng quán sẽ hoạt động đến trước 21h, với công suất phục vụ tối đa 50%. Mật độ phục vụ không quá 2 người mỗi bàn, khoảng cách các bàn ăn tối thiểu 2 mét. Theo đánh giá của Sở Công Thương, sau 15 ngày TP HCM thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ hoạt động còn chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu.
Việc cho phép phục vụ khách ngồi tại chỗ là từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế thông qua phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ trên nguyên tắc "An toàn đến đâu, mở cửa đến đó". Đồng thời, sở này cũng cho rằng việc này đáp ứng nhu cầu của người dân và hỗ trợ từng bước khôi phục hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên địa bàn.
Dỹ Tùng