Quyết định đóng cửa ba dịch vụ không thiết yếu trên được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 thành phố, trưa 30/4.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh TP HCM ghi nhận "bệnh nhân 2910" ở quận Bình Tân (F1 của ca bệnh ở Hà Nam) sau 75 ngày không xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng.
Tối qua, nơi ở của bệnh nhân tại hẻm 20 Phạm Đăng Giảng, quận Bình Tân, gồm 19 phòng trọ và 57 người bị phong toả. Bảy người tiếp xúc trực tiếp ca bệnh này đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần một. Sáng nay hẻm 77 Phạm Đăng Giảng (đối diện hẻm 20) cũng bị phong toả, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.
Như vậy, đây là lần thứ tư trong hơn một năm qua, các dịch vụ này phải dừng hoạt động để phòng chống dịch. Quán bar, vũ trường và karaoke chỉ mới được mở cửa trở lại hôm 19/3 sau hơn một tháng dừng vì đợt bùng phát dịch lần thứ ba vào Tết Nguyên vừa rồi.
Trước đó, Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng các dịch vụ bar, karaoke và vũ trường diễn ra trong không gian kín, mật độ tiếp xúc rất gần nên khả năng lây lan dịch rất cao. Vì vậy, ngành y tế kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét việc cho ngừng hoạt động các dịch vụ này.
"Tình hình này không cho phép chúng ta lơi lỏng, chủ quan. Thành phố phải đặt trong tình trạng nguy cơ rất cao, mặc dù không phải là địa phương tiếp giáp Campuchia", Chủ tịch UBND thành phố nói và yêu cầu xử phạt nghiêm việc không đeo khẩu trang nơi công cộng vì vẫn còn nhiều người vi phạm.
Từ khi dịch xuất hiện đến nay, TP HCM ghi nhận 255 ca nhiễm, trong đó 225 trường hợp đã điều trị khỏi, 22 người đang điều trị. 3.019 người đang cách ly tại các điểm cách ly tập trung và một trường hợp cách ly tại nhà.
Từ 18h hôm nay, các quán bar, karaoke, phòng trà, vũ trường ở Đồng Nai phải dừng hoạt động để phòng dịch. Cơ sở kinh doanh và người dân được yêu cầu tuân thủ biện pháp 5K của Bộ Y tế.
Hữu Công - Phước Tuấn