"Về cơ bản, công việc kinh doanh ngay bây giờ đang bị đình trệ", Yu, một trong số ít người Trung Quốc vẫn bám trụ thủ đô của Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản, cho hay.
Giữa tình hình hỗn loạn và nỗi lo ngại về việc Taliban áp đặt trở lại luật Hồi giáo hà khắc, doanh nhân 48 tuổi đang tính toán đến rủi ro nếu tiếp tục làm ăn tại Kabul, nơi anh kinh doanh đá quý, vật tư y tế và văn phòng phẩm 4 năm qua.
Vụ đánh bom liều chết tại sân bay Kabul hôm 26/8, do nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) tiến hành, đã cho thấy tình trạng bất ổn ở Afghanistan. Giới chuyên gia cũng cảnh báo việc Mỹ rút toàn bộ lực lượng sẽ tạo cơ hội cho các nhóm khủng bố trỗi dậy.
Tuy nhiên, Yu cho biết ngay sau khi tiến vào Kabul, các thành viên Taliban đã tới thăm doanh nghiệp Trung Quốc, tuyên bố hoạt động kinh doanh của họ là hợp pháp và sẽ được bảo vệ.
"Họ thậm chí nói rằng chúng tôi có thể liên lạc với họ khi gặp khó khăn. Các chiến binh Taliban, ít nhất là tại Kabul, đang duy trì một số quy tắc. Họ không cướp bóc người dân bất chấp tình trạng thiếu lương thực. Hiện tại, Taliban có vẻ đang thực hiện khá tốt những chính sách mà họ tuyên bố, nhưng thật khó nói điều này sẽ tồn tại bao lâu", Yu nêu ý kiến.
Yu Minghui, giám đốc Ủy ban Xúc tiến Kinh tế và Thương mại Trung Quốc - Arab, cũng có trải nghiệm tương tự. "Chỉ huy Taliban tại quận của tôi đã đến thăm khu phố Hoa và nói rằng sẵn sàng giúp đỡ nếu chúng tôi có bất kỳ khó khăn nào", doanh nhân đã làm việc tại Afghanistan gần 20 năm kể lại.
"Ông ấy còn đề nghị hỗ trợ duy trì trật tự trong khu phố và lực lượng của họ sẽ không tính bất kỳ khoản phí nào như cảnh sát Afghanistan trước đây, nói thêm rằng họ thậm chí không cần chúng tôi cung cấp lương thực", Yu Minghui cho biết.
Mặc dù vậy, quá trình Kabul đổi chủ đã tác động nặng nề đến doanh nghiệp Trung Quốc, buộc các cửa hàng phải đóng cửa để "tránh bị trộm cướp giữa cảnh hỗn loạn". "Những quy tắc trước đây đều đã bị phá bỏ", doanh nhân Trung Quốc nói.
Taliban được cho là đang nỗ lực thể hiện giọng điệu ôn hòa, nhằm xóa bỏ ấn tượng về cách tiếp cận hà khắc khi họ nắm quyền tại Afghanistan hai thập kỷ trước. Lực lượng này tuyên bố sẽ đảm bảo quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo, cho phép tự do báo chí và cắt quan hệ với các nhóm khủng bố.
Bất chấp dấu hiệu tích cực trước mắt, hoạt động trong tương lai của các doanh nhân Trung Quốc tại Afghanistan lại phụ thuộc nhiều yếu tố dài hạn. Một trong số đó là các lệnh trừng phạt từ nước ngoài, vấn đề được đặt lên hàng đầu khi các lãnh đạo thuộc nhóm G7 họp hôm 24/8. Họ chưa lập tức đưa ra biện pháp trừng phạt nào chống lại Taliban, nhưng cũng chưa công nhận lực lượng này.
"Kinh tế Afghanistan vốn lạc hậu, các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ khiến mọi thứ thậm chí tồi tệ hơn", Yu Minghui bày tỏ lo ngại.
Thêm vào đó, giới quan sát đánh giá yếu tố thực sự mang tính quyết định đối với các doanh nhân Trung Quốc là liệu Bắc Kinh có công nhận chính quyền do Taliban điều hành hay không. "Vấn đề quan trọng với chúng tôi là thái độ của chính phủ Trung Quốc, và liệu họ có công nhận Taliban hay không. Nếu không, chúng tôi sẽ phải rời đi", Yu Yong nói.
Bắc Kinh chưa đưa ra quyết định về vấn đề này, nhưng vẫn duy trì liên lạc với các đại diện của Taliban. Hồi tháng 7, trong buổi tiếp phái đoàn Taliban ở thành phố Thiên Tân, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi họ là lực lượng nòng cốt tại Afghanistan, đồng thời bày tỏ ủng hộ vai trò về an ninh và tái thiết đất nước của nhóm này.
Hôm 24/8, một phái đoàn Taliban tới gặp đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan Vương Ngu. Trong khi hầu hết quốc gia đã sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Kabul, Trung Quốc nằm trong số ít những nước vẫn duy trì đại sứ quán. Bộ Thương mại Trung Quốc sau đó cũng tuyên bố nước này sẵn sàng hỗ trợ công cuộc tái thiết và thúc đẩy phát triển tại Afghanistan.
Theo phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt hơn 300 triệu USD trong nửa đầu năm nay, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 6, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 430 triệu USD vào Afghanistan.
Tuy nhiên, nền kinh tế Afghanistan lâu nay phụ thuộc vào viện trợ quốc tế, vốn đã bị cắt đứt kể từ khi Taliban kiểm soát hầu hết đất nước. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng chặn quyền tiếp cận tài chính của Afghanistan do "sự thiếu rõ ràng trong cộng đồng quốc tế" về việc công nhận chế độ mới. Mỹ đã đóng băng khoảng 7 tỷ USD tài sản của Afghanistan được gửi tại nước này.
Giới quan sát đánh giá Trung Quốc có thể cân nhắc giúp đỡ Afghanistan, bao gồm viện trợ nhân đạo, nhưng điều này phần lớn lại phụ thuộc vào phạm vi của lệnh trừng phạt tiềm tàng từ phương Tây.
Mặc dù vậy, Huang Minxing, chuyên gia tại Đại học Tây Bắc của Mỹ, chỉ ra rằng phương Tây khó có thể thực sự áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Taliban, bởi "châu Âu vốn lo lắng về vấn đề người tị nạn và các lệnh trừng phạt có thể khiến tình hình trầm trọng thêm".
"Trước đây Trung Quốc từng giúp Afghanistan xây đập, nhà máy, trang trại hay bệnh viện. Những lĩnh vực này ít có khả năng bị trừng phạt hơn, nên Bắc Kinh hiện nay vẫn có thể hỗ trợ các mặt đó", Huang nói thêm.
Các doanh nhân Trung Quốc tại Afghanistan dường như cũng lạc quan về công cuộc tái thiết thời hậu chiến. Yu Yong cho biết nếu Bắc Kinh công nhận Taliban, anh chắc chắn sẽ mở rộng quy mô kinh doanh tại Afghanistan.
"Có vô vàn cơ hội làm ăn tại một đất nước vừa trải qua chiến tranh, đặc biệt là khai thác mỏ. Nguồn tài nguyên khoáng sản tại Afghanistan rất dồi dào, mà hầu như chưa được khai thác. Rất có thể Taliban sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho việc phát triển ngành công nghiệp này, bởi họ vô cùng cần tiền. Tôi có thể bán khoáng sản về Trung Quốc, nơi cũng cần số tài nguyên đó", Yu Yong nói, tương tự quan điểm của Yu Minghui về những cơ hội trong tương lai.
"Bất kể ai nắm quyền, miễn là họ cần phát triển kinh tế và thương mại, Trung Quốc và các doanh nhân Trung Quốc sẽ vô cùng cần thiết đối với họ. Nhờ những quan hệ tích lũy qua nhiều năm, dù ai điều hành đất nước, chúng tôi luôn có cách ứng phó", Yu Minghui cho hay.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)