UAV Trung Quốc được dùng trong cuộc chiến chống IS tại Iraq. Video: IQAF.
Quân đội Jordan hồi đầu tuần thông báo chuẩn bị thanh lý 29 máy bay các loại trong biên chế, gồm 5 vận tải cơ C-295, CN-235 và C-130B, 12 phi cơ huấn luyện phản lực BAE Hawk, 6 trực thăng hạng nhẹ MD-530 và 6 máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) CH-4B do Trung Quốc sản xuất.
"Chúng tôi thanh lý số máy bay này bởi chúng không còn phù hợp với chương trình tái cơ cấu không quân, trong đó tập trung vào mục tiêu giảm biên chế, tăng khả năng chiến đấu và tính đồng bộ giữa các khí tài", đại tá Ayman Al Habahbeh, người đứng đầu cơ quan hậu cần không quân Jordan, cho biết.
Phần lớn máy bay thanh lý đều đã sử dụng trong hàng chục năm, nhưng 6 chiếc CH-4B mới được đưa vào biên chế không quân Jordan chưa đầy hai năm. Lực lượng này hồi năm ngoái tỏ ra không hài lòng với khả năng chiến đấu của UCAV Trung Quốc, tuyên bố sẽ sớm loại biên phi đội CH-4B.
Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) đầu năm nay công bố báo cáo về hoạt động thực chiến của UAV Trung Quốc tại Trung Đông. Tổ chức này nhận định khí tài giá rẻ của Bắc Kinh đang dần chiếm lĩnh trị trường UAV khu vực, nhưng cũng bộc lộ nhiều nhược điểm gây thất vọng và khiến chúng mất điểm trong mắt khách hàng tiềm năng.

UAV CH-4B được Trung Quốc thử nghiệm năm 2013. Ảnh: Sina.
Một trong những vấn đề lớn nhất là UAV Trung Quốc không tích hợp được vào mạng lưới vệ tinh quân sự của Mỹ, vốn được các quốc gia Trung Đông sử dụng phổ biến.
Điều này khiến những chiếc CH-4 và CH-5 chỉ có thể nhận tín hiệu trực tiếp từ trạm điều khiển mặt đất, khiến tầm bay của chúng bị giới hạn chỉ còn 150-200 km so với mức 1.000 km nếu có kết nối vệ tinh. Bắc Kinh dường như cũng không đồng ý cho khách hàng truy cập vào hệ thống vệ tinh quân sự của mình để tăng tầm hoạt động cho các UAV này.
Khả năng tương thích với vũ khí, hệ thống chỉ huy và kiểm soát chiến trường (C2) cũng là trở ngại lớn với UAV Trung Quốc, do các nước Trung Đông thường trang bị vũ khí phương Tây. Điều này khiến chúng gặp khó khăn khi hiệp đồng cùng chiến đấu cơ và máy bay cảnh báo sớm, trong khi dữ liệu tình báo và trinh sát của UAV không được sử dụng hiệu quả.
"UAV Trung Quốc khó lòng thay đổi hình thức tác chiến của Jordan, quốc gia sở hữu lực lượng không quân hùng hậu. Việc mua khí tài Trung Quốc dường như chỉ là nước đi nhằm thúc đẩy Mỹ nới lỏng chính sách xuất khẩu, cho phép đồng minh Trung Đông tiếp cận với những mẫu UAV chiến đấu tối tân", RUSI kết luận trong báo cáo.
Lã Linh (Theo Flight Global)