Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) tuần trước công bố báo cáo về hoạt động thực chiến của máy bay không người lái (UAV) Trung Quốc tại khu vực Trung Đông. Tổ chức này nhận định khí tài giá rẻ Trung Quốc đang dần chiếm lĩnh trị trường UAV khu vực, nhưng đã bộc lộ nhiều nhược điểm gây thất vọng, khiến chúng mất điểm trong mắt khách hàng tiềm năng, theo Aviation Week.
UAV nổi bật nhờ khả năng thu thập thông tin tình báo và tung đòn không kích chính xác, cùng chi phí vận hành thấp và không mạo hiểm mạng sống phi công. Đây là vũ khí ngày càng được các nước Trung Đông ưa chuộng và xuất hiện trong hàng loạt chiến dịch quân sự.
"Mỹ vẫn dẫn đầu trong ngành chế tạo UAV, nhưng chính sách xuất khẩu vũ khí nghiêm ngặt của Washington khiến nhiều đồng minh tại Trung Đông gặp khó khăn nếu muốn sở hữu máy bay chiến đấu không người lái (UCAV)", báo cáo của RUSI nhận xét.
Chính quyền cựu tổng thống Barack Obama từng từ chối bán máy bay MQ-1 Predator cho Jordan, trong khi Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) chỉ có thể mua phiên bản MQ-1 XP không mang được vũ khí. Các tập đoàn vũ khí Trung Quốc đã nhanh chóng chớp thời cơ này để chiếm lĩnh thị trường Trung Đông.
Bắc Kinh sẵn sàng bán cho các quốc gia giàu dầu mỏ ở Trung Đông nhiều loại UCAV hiện đại mà không kèm theo các điều kiện ràng buộc nghiêm ngặt như Washington. Với giá thành rẻ và điều khoản chuyển giao công nghệ, UCAV Trung Quốc rất hấp dẫn trong mặt nhiều nước Trung Đông như Jordan, UAE , Iraqvà Arab Saudi. Các quốc gia này đã đặt mua lượng lớn phi cơ không người lái Trung Quốc như giải pháp tạm thời trong lúc chờ Mỹ nới lỏng chính sách xuất khẩu.
Sau khi được đưa vào biên chế, UAV Trung Quốc nhanh chóng được sử dụng trong nhiều cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và chiến dịch can thiệp quân sự tại Yemen do Arab Saudi dẫn đầu.
Không quân Iraq cho biết máy bay CH-4B do Trung Quốc chế tạo đã thực hiện 260 cuộc không kích vào mục tiêu IS tính đến giữa năm 2018. So với UCAV Mỹ, dòng CH-4B được ưa chuộng hơn nhờ giá thành tên lửa rẻ và có thể đặt mua nhanh chóng với số lượng lớn. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề với máy bay Trung Quốc cũng xuất hiện trong quá trình chiến đấu.
Quân đội Jordan hồi tháng 11/2018 khẳng định không hài lòng với chất lượng UAV nhập khẩu từ Trung Quốc và tuyên bố sẽ sớm loại biên chúng. Một trong những vấn đề lớn nhất là UAV Trung Quốc không tích hợp được vào mạng lưới vệ tinh quân sự của Mỹ, vốn được các quốc gia Trung Đông sử dụng phổ biến.
Điều này khiến UAV Trung Quốc chỉ có thể nhận tín hiệu trực tiếp từ trạm điều khiển mặt đất, khiến tầm bay của chúng bị giới hạn chỉ còn 150-200 km so với mức 1.000 km nếu có kết nối vệ tinh. Bắc Kinh dường như cũng không đồng ý cho khách hàng truy cập vào hệ thống vệ tinh quân sự của mình để tăng tầm hoạt động cho các UAV này.
Khả năng tương thích với vũ khí, hệ thống chỉ huy và kiểm soát chiến trường (C2) cũng là trở ngại lớn với UAV Trung Quốc, do các nước Trung Đông thường trang bị vũ khí phương Tây.
Riyadh biên chế lượng lớn tiêm kích F-15, F-16 và máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry do Washington chế tạo, hệ thống C2 của nước này cũng được xây dựng theo tiêu chuẩn phương Tây. UAE đang đầu tư để trở thành đồng minh chủ chốt của Mỹ tại Trung Đông, khiến mạng lưới C2 được thiết kế để dễ dàng phối hợp chặt chẽ với các chiến dịch quân sự của Washington.
Việc UAV Trung Quốc không thể tích hợp với mạng lưới tác chiến thống nhất theo chuẩn Mỹ khiến chúng gặp khó khăn khi hiệp đồng cùng chiến đấu cơ và máy bay cảnh báo sớm, trong khi dữ liệu tình báo và trinh sát của UAV không được sử dụng hiệu quả.
Tại Iraq, phi cơ CH-4B Trung Quốc bị coi là mối nguy hại về bảo mật, không được phép tích hợp vào hệ thống thông tin tình báo của liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Khí tài trinh sát trên UAV Trung Quốc cũng bị đánh giá là thua kém so với các mẫu MQ-1 Predator hay MQ-9 Reaper của Mỹ. Nhiều nước Trung Đông đang trang bị hoặc tự sản xuất UAV theo giấy phép từ Bắc Kinh, nhưng vẫn bày tỏ mong muốn mua sản phẩm từ Washington.
"UAV Trung Quốc khó lòng thay đổi hình thức tác chiến của Arab Saudi và Jordan, những nước sở hữu lực lượng không quân hùng hậu. Việc mua khí tài Trung Quốc dường như chỉ là nước đi nhằm thúc đẩy Mỹ nới lỏng chính sách xuất khẩu, cho phép đồng minh Trung Đông tiếp cận với những loại UCAV tối tân", RUSI kết luận trong báo cáo.
Lã Linh