Ngày 5/10/2011, Steve Jobs qua đời vì ung thư tuyến tụy hiếm gặp. Nhân 10 năm ngày mất của nhà đồng sáng lập Apple, nhà thiết kế Jonathan Ive đã chia sẻ cảm xúc về người bạn quá cố của ông trên WSJ.
"Tôi không bao giờ nghĩ Steve sẽ ra đi.
Ký ức về cái ngày tàn nhẫn, đau lòng đó 10 năm trước vẫn đến rải rác và ngẫu nhiên. Tôi không nhớ mình đã lái xe xuống nhà anh ấy thế nào.
Tôi nhớ bầu trời tháng 10 khi đó mờ mịt. Tôi nhớ tôi và Tim ngồi lặng lẽ trong vườn cùng nhau rất lâu.
Kể từ lúc đọc điếu văn về Steve, tôi không còn nói công khai về tình bạn, những cuộc phiêu lưu hay sự hợp tác của chúng tôi.
Nhưng tôi vẫn nghĩ đến Steve mỗi ngày.
Tôi và Laurene (vợ của Steve Jobs) thân nhau. Hai gia đình đã biết nhau gần 30 năm, cùng chia sẻ những mất mát hay chào đón những đứa trẻ ra đời. Chúng tôi thường nhắc đến Steve, nhưng hiếm khi tôi đề cập tới công việc giữa tôi với anh ấy. Chủ yếu, chúng tôi nói về tương lai của Emerson Collective - một tổ chức từ thiện về cải cách giáo dục và xã hội do Laurene thành lập.
Khi những đứa trẻ thông minh và ham học hỏi của cô ấy hỏi về bố chúng, tôi đã không thể kìm được cảm xúc. Tôi có thể nói chuyện vui vẻ hàng giờ về người đàn ông tuyệt vời mà tôi yêu mến sâu sắc.
Steve và tôi đã làm việc với nhau gần 15 năm, cùng ăn trưa hầu hết các ngày trong tuần và dành cả buổi chiều trong xưởng thiết kế. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất, sáng tạo nhất và vui vẻ nhất trong cuộc đời tôi.
Tôi thích cách anh ấy nhìn thế giới. Suy nghĩ của anh ấy luôn đẹp đẽ sâu sắc. Steve là người tò mò nhất mà tôi từng gặp. Sự tò mò ấy không bị giới hạn hay bị phân tâm bởi kiến thức hay chuyên môn, cũng không phải là ngẫu nhiên hay thụ động. Nó dữ dội, tràn đầy năng lượng và không ngừng nghỉ. Sự tò mò của Steve được rèn luyện một cách có chủ đích và nghiêm khắc.
Trong các cuộc họp với nhiều nhân viên, hầu hết lãnh đạo thường hướng về điều hữu hình. Đó là thứ có thể đo lường được, bởi nói về những gì đã biết sẽ thoải mái, dễ dàng hơn và được xã hội chấp nhận hơn. Thế nhưng, sự tò mò và khám phá ý tưởng mới là điều quan trọng đối với Steve hơn nhiều so với những thứ nói ra để được xã hội chấp nhận.
Sự tò mò thôi thúc mỗi cá nhân tìm hiểu, học hỏi. Với Steve, tâm lý muốn học hỏi quan trọng hơn nhiều so với sự đúng đắn.
Sự tò mò đã gắn kết chúng tôi, hình thành nền tảng của sự hợp tác vui vẻ và hiệu quả. Tôi nghĩ, sự tò mò cũng làm giảm nỗi sợ hãi của chúng tôi khi phải làm một điều gì đó mới trông có vẻ đáng sợ.
Steve bận tâm đến bản chất và chất lượng suy nghĩ của chính mình. Anh ấy kỳ vọng nhiều vào bản thân và làm việc chăm chỉ bằng sức sống hiếm có nhưng đầy kỷ luật. Sự nghiêm khắc và bền bỉ tạo nên quyết tâm mãnh liệt. Khi không thể thỏa mãn suy nghĩ của mình, anh ấy sẽ tự phàn nàn với bản thân.
Khi suy nghĩ nảy nở thành ý tưởng, dù chỉ mang tính thăm dò hay hết sức mơ hồ, Steve nhận ra đó là một mảnh đất linh thiêng. Anh ấy hiểu sâu sắc rằng sự sáng tạo cần được tôn trọng ở mức cao nhất.
Ý tưởng chỉ là thứ mơ hồ. Nhưng nếu chúng được giải quyết, đó sẽ không còn là ý tưởng mà là sản phẩm. Steve tập trung vào ý tưởng, dù trong đó có không ít thứ phi thực tế, nhưng anh ấy tin rằng khi cố gắng, nó sẽ thành hiện thực.
Mười năm trôi qua, anh ấy dường như vẫn là ẩn số trong trí nhớ của tôi. Sự hiểu biết của tôi về anh ấy vẫn chưa đủ và còn nhiều thứ để khám phá.
Trên tất cả, tôi nhớ sự trong sáng kỳ lạ và đẹp đẽ của Steve. Ngoài ý tưởng và tầm nhìn phi thường, tôi nhớ cái nhìn sâu sắc của anh ấy đã khiến sự hỗn loạn trở nên trật tự hơn. Nó không liên quan gì đến khả năng giao tiếp thượng thừa, mọi thứ chỉ là sự đơn giản, chân thật và thuần khiết.
Khi Steve rời Apple vào những năm 1980, anh đã gọi công ty mới của mình là NeXT. Anh ấy rất giỏi về cách đặt tên.
Sau gần 30 năm, tôi cũng rời Apple. Vì sao ư? Vì sự tò mò muốn tìm hiểu và khám phá những cách thức mới để tạo nên những đóng góp hữu ích cho cộng đồng. Chính Steve là động lực mạnh mẽ nhất để tôi tiến đến cuộc phiêu lưu tiếp theo của mình: LoveFrom.
Lời cuối cùng Steve nói với tôi là, anh ấy sẽ bỏ lỡ những cuộc trò chuyện cùng nhau. Khi đó, tôi ngồi cạnh giường anh ấy, lưng dựa vào tường.
Sau khi Steve trút hơi thở cuối cùng, tôi bước ra vườn. Tôi nhớ tiếng chốt cửa gỗ khi tôi nhẹ nhàng đóng nó lại.
Tôi nhớ Steve vô cùng, và tôi sẽ luôn nhớ cả khi không nói chuyện với anh ấy".
Bảo Lâm (theo WSJ)