Để thành công, hãy đam mê
Tại hội nghị D5 diễn ra năm 2007, một khán giả đã hỏi Steve Jobs rằng, lời khuyên tâm đắc nhất mà ông muốn nói với các doanh nhân khi xây dựng một công ty có giá trị là gì. Ông đã trả lời nhanh và dứt khoát: "Để thành công, bạn cần phải đam mê công việc mình đang làm".
Steve Jobs cũng thừa nhận lời khuyên của ông đã xuất hiện rộng rãi và gần như được xem là chân lý. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng đó là câu nói đúng đắn sau quãng thời gian ông điều hành doanh nghiệp. Theo ông, thành công phụ thuộc vào sự thấu hiểu và đam mê, bởi đây là cách duy nhất để một người duy trì tính kiên trì của bản thân.
Steve Jobs giải thích, việc xây dựng doanh nghiệp không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Để thành công, người điều hành phải làm việc chăm chỉ, vượt qua những thử thách lặp đi lặp lại trong thời gian dài và không bỏ cuộc. Khi đối mặt với những thách thức liên tục này, hầu hết mọi người sẽ có xu hướng bỏ cuộc. Tuy nhiên, những ai yêu thích những gì đang làm sẽ kiên trì hơn nhờ đam mê - điều không thể bị tác động bởi tiền bạc, vật chất.
Hãy để sự tò mò và trực giác dẫn dắt
Năm 2005, trong bài phát biểu khai giảng tại Đại học Stanford, Steve Jobs nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tin tưởng vào bản lĩnh của bản thân, cũng như nên để trực giác và sự tò mò làm khơi dậy tính sáng tạo. Ông khuyến khích sinh viên theo đuổi sở thích của mình, kể cả khi chúng có vẻ thiếu tính thực tế. Ông tin rằng phần lớn thành công của mình có được nhờ triết lý này.
Để chứng minh, Steve Jobs đã mô tả những gì đã xảy ra sau khi bỏ học tại Đại học Reed. Vì không còn phải lo lắng về việc đáp ứng các yêu cầu cụ thể của khóa học, ông có thể tự do tham dự bất cứ lớp học nào mà ông quan tâm.
Chẳng hạn, ông đã tham gia một lớp học về thư pháp. Khi đó, ông cảm thấy lớp học hấp dẫn dù nó không phục vụ mục đích thiết thực nào. Nhưng mãi đến sau này, khi nhìn lại cuộc đời mình, Jobs mới nhận ra tầm quan trọng của lớp học thư pháp: mang lại sự hiểu biết về các kiểu chữ - điều ông đã đem áp dụng khi thiết kế máy tính Macintosh.
Steve Jobs tin rằng sự tò mò và trực giác là "sự định hướng đáng tin cậy". Kể cả khi không thể thấy những quyết định đó đang dẫn đến đâu, mỗi người nên có niềm tin rằng, sự tò mò và trực giác đang hướng dẫn mình đi theo con đường đúng đắn.
Bỏ qua những kỳ vọng của người khác
Steve Jobs nhiều lần khuyên mọi người nên bỏ qua những giới hạn do người khác áp đặt và tự tạo dựng cuộc sống của chính mình. Năm 1994, trong một cuộc phỏng vấn với Silicon Valley Historical Association (SVHC) - Hiệp hội xuất bản sách và phim về các nhân vật công nghệ nổi tiếng ở Thung lũng Silicon - Steve Jobs đã thảo luận về bản chất sai lầm của con người, về ranh giới xã hội và những hạn chế của nó. Ông tin rằng, mọi người có thể thay đổi số phận của chính mình và của những người khác nếu họ sẵn sàng thách thức bản thân và bỏ qua sự kỳ vọng mà người khác đặt ra.
Ông đã nhắc lại quan điểm này trong bài phát biểu khai giảng tại Đại học Stanford sau đó ít lâu. "Thời gian của bạn có hạn, vì vậy, đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác", ông nói. "Đừng bị mắc kẹt bởi sự giáo điều - kết quả suy nghĩ của người khác. Đừng để ý kiến của người khác át tiếng nói bên trong của chính bạn. Quan trọng nhất, hãy can đảm làm theo trái tim và trực giác. Bằng cách nào đó, nó sẽ mách bảo cho bạn những thứ bạn thực sự muốn. Mọi vấn đề khác chỉ là thứ yếu".
Vượt qua nỗi sợ thất bại và hành động
Cũng trong phỏng vấn với SVHC năm 1994, Steve Jobs nhắc đến sự thất bại. Ông kể lại rằng, vào năm 12 tuổi, ông đã vượt qua nỗi sợ để gọi điện cho Bill Hewlett, người đồng sáng lập Hewlett-Packard - một công ty máy tính rất lớn thời bấy giờ. Tại nhà riêng ở Palo Alto, California, Steve Jobs đã mạnh dạn hỏi Hewlett về linh kiện chế tạo máy đếm tần số. Sau đó, Steve Jobs đã rất bất ngờ khi Hewlett không chỉ giao cho Jobs những bộ phận yêu cầu, mà còn tuyển dụng ông vào làm việc trên dây chuyền lắp ráp máy đếm tần số một năm sau.
Steve Jobs đã sử dụng ví dụ này để chứng minh rằng, thành công chỉ đến khi bạn sẵn sàng hành động và theo đuổi những gì mình muốn. Thay vì lo sợ phản ứng của Hewlett, Jobs đã tự tạo ra cơ hội, nắm lấy nó và đã được đền đáp. "Đó là điểm để phân biệt những người làm được nhiều việc với kẻ mộng mơ: bạn phải hành động và bạn phải sẵn sàng thất bại", Steve Jobs nhấn mạnh.
Ai cũng có "thời hạn" trên đời
Steve Jobs bị ung thư năm 2003 và qua đời tháng 10/2011. Nhưng kể cả trước khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, ông vẫn xem thời gian mình sống trên cuộc đời này là có hạn và luôn quý trọng từng giây phút.
Steve Jobs nhiều lần muốn chuyển tải thông điệp quý giá này. Ông từng kể rằng, vào năm 17 tuổi, ông đã đọc được một câu nói mà sau đó nó đã thành "kim chỉ nam" trong cuộc sống của ông: "Nếu bạn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời, một ngày nào đó, bạn chắn chắn sẽ đúng".
Sau đó, Steve Jobs tiếp tục nói về sự quý giá của thời gian. "Trong 33 năm sau khi đọc câu nói đó, tôi luôn nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi bản thân: 'Nếu hôm nay là ngày cuối cùng trong đời, tôi có muốn thực hiện dự định sắp làm không?'. Nếu câu trả lời là 'Không' trong quá nhiều ngày liên tiếp, tôi biết mình cần phải thay đổi điều gì đó", Steve Jobs chia sẻ.
Cố CEO Apple cũng từng nói rằng việc suy nghĩ đến cái chết, thậm chí là việc chết sớm, là công cụ quan trọng nhất để ông đưa ra những lựa chọn lớn trong đời. "Gần như mọi thứ, từ hy vọng, niềm tự hào, nỗi sợ hãi, tủi hổ hay thất bại, sẽ biến mất khi bạn phải đối mặt với cái chết, chỉ còn lại những điều thực sự quan trọng", Steve Jobs nói. "Nghĩ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất tôi tránh rơi vào bẫy rằng tôi sẽ mất cái gì đó. Khi không còn gì nữa, chẳng có lý gì bạn không nghe theo lời mách bảo của trái tim".
Bảo Lâm (theo Entrepreneur)