Tuyên bố từ văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 20/5 cho biết nội các an ninh đã "nhất trí chấp thuận đề nghị của tất cả quan chức an ninh, chấp thuận sáng kiến của Ai Cập về lệnh ngừng bắn chung không cần điều kiện tiên quyết".
Hamas và nhóm Hồi giáo Jihad sau đó xác nhận, nói rằng lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực vào lúc 2h ngày 21/5 (6h giờ Hà Nội). Israel chưa xác nhận mốc thời gian này.
Tuyên bố của Israel cho biết chiến dịch trên không của họ đã đạt những thành tựu "chưa từng có" ở Gaza, vùng lãnh thổ họ phong tỏa từ năm 2007, năm Hamas tiếp quản. "Giới lãnh đạo chính trị nhấn mạnh tình hình thực địa sẽ quyết định tương lai của hoạt động", tuyên bố nêu thêm.
Mỗi bên đều tuyên bố sẵn sàng trả đũa bất kỳ hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn nào của bên kia. Trước thời điểm lệnh ngừng bắn có hiệu lực, các vụ phóng rocket của Palestine vẫn tiếp tục và Israel thực hiện ít nhất một cuộc không kích.
Thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian đã được đồng ý sau khi áp lực quốc tế gia tăng để ngăn chặn đổ máu. Ai Cập cũng là nước chịu trách nhiệm giám sát thực thi lệnh ngừng bắn của các bên.
"Hai phái đoàn Ai Cập sẽ được cử tới Tel Aviv và các vùng lãnh thổ của Palestine để giám sát việc thực hiện lệnh ngừng bắn và thủ tục nhằm duy trì các điều kiện ổn định vĩnh viễn", nguồn tin ngoại giao tại Cairo cho hay.
Ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố, tổ chức Hồi giáo Jihad khoe rằng họ đã "làm bẽ mặt" Israel. Nhóm này cũng tuyên bố sẽ tiếp tục bảo vệ người Palestine ở Jerusalem. Nhiều người Palestine đổ ra đường ăn mừng "chiến thắng" trước Israel.
Hamas trước đó yêu cầu rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào ở Gaza đều phải đi kèm điều kiện Israel rút lui ở Jerusalem. Một quan chức Israel nói rằng không có điều kiện như vậy trong thỏa thuận ngừng bắn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn. "Tôi tin rằng chúng ta có cơ hội thực sự để đạt tiến bộ và tôi cam kết sẽ nỗ lực hướng tới điều đó", Biden nói tại Nhà Trắng, đồng thời ca ngợi vai trò trung gian của Ai Cập.
Anh cũng hoan nghênh lệnh ngừng bắn do Israel và Hamas công bố, đồng thời kêu gọi tất cả các bên nỗ lực để duy trì thỏa thuận lâu dài.
"Tất cả các bên phải phối hợp để lệnh ngừng bắn được lâu bền và chấm dứt chu kỳ bạo lực không thể chấp nhận được cũng như tổn thất sinh mạng dân sự", Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đăng Twitte, thêm rằng Anh ủng hộ "các nỗ lực mang lại hòa bình".
Căng thẳng leo thang sau khi Israel hạn chế tiếp cận khu vực Thành cổ Jerusalem trong tháng Ramadan, đe dọa trục xuất một số gia đình Palestine sinh sống nhiều năm ở phía đông Jerusalem, nhằm lấy chỗ cho người Do Thái định cư.
Hôm 10/5, đụng độ nghiêm trọng xảy ra tại nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa, một trong những địa điểm linh thiêng nhất ở Jerusalem, khi cảnh sát Israel bắn hơi cay và lựu đạn choáng vào đám đông biểu tình người Palestine. Đụng độ tại đây và nhiều khu vực khác thuộc Jerusalem đã khiến hàng trăm người Palestine và nhiều sĩ quan Israel bị thương.
Phong trào Hamas tại Dải Gaza của Palestine tối hôm đó quyết định can thiệp bằng cách phóng hàng loạt rocket về phía lãnh thổ Israel. Không quân Israel tung đòn không kích đáp trả, châm ngòi cho loạt động thái "ăn miếng trả miếng" giữa hai bên và được xem là bạo lực tồi tệ nhất trong khu vực kể từ năm 2014.
Quân đội Israel cho biết Hamas và các nhóm vũ trang Hồi giáo khác ở Gaza đã bắn 4.070 quả rocket về phía Israel, phần lớn nhằm vào các khu vực đông dân cư, nhưng bị hệ thống phòng không Vòm Sắt của nước này đánh chặn. Các đợt tấn công khiến 12 người ở Israel thiệt mạng, trong đó có một trẻ em, một người Ấn Độ và hai công dân Thái Lan.
Theo Bộ Y tế Gaza, các cuộc tấn công của Israel đã khiến 232 người Palestine, gồm 65 trẻ em, thiệt mạng, biến các khu vực rộng lớn trở thành đống đổ nát và khoảng 120.000 người phải sơ tán.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)