Hamas là viết tắt của Harakat al-Muqawama al-Islamiyya trong tiếng Arab, có nghĩa là Phong trào Kháng chiến Hồi giáo. Nhóm được hình thành từ năm 1987 sau khi phong trào nổi dậy chống Israel (intifada) lần thứ nhất của người Palestine bùng nổ, chống lại việc quân đội Israel chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza.
Mục tiêu của Hamas là thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Palestine trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948. Để thực hiện mục tiêu đó, phong trào này xác định con đường duy nhất là đấu tranh bằng bạo lực, do Hamas khước từ mọi giải pháp hòa bình, không công nhận nhà nước Israel.
Hamas ban đầu vừa thực hiện cuộc đấu tranh vũ trang chống Israel và cung cấp chương trình phúc lợi xã hội cho người Palestine. Nhưng từ năm 2005, khi Israel rút quân đội và người định cư khỏi Dải Gaza, Hamas bắt đầu tham gia vào chính trị ở Palestine. Tổ chức này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006, trước khi củng cố quyền lực ở Gaza vào năm sau bằng cách lật đổ phong trào Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas.
Kể từ đó, những chiến binh ở Gaza đã có ba cuộc chiến tranh với Israel, nước cùng với Ai Cập duy trì một cuộc bao vây ở Dải Gaza để cô lập Hamas và gây áp lực nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công.
Hamas nói chung và đôi khi là cánh quân sự của phong trào bị liệt vào danh sách khủng bố của Israel, Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh cùng một số cường quốc khác.
Tuy nhiên, phong trào Hồi giáo này từng nhận được ủng hộ và hỗ trợ tài chính từ người Palestine ở nước ngoài, các nhà tài trợ ở Arab Saudi và một số quốc gia Arab khác. Trong những giai đoạn trước 2003, các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Hamas nhận được khoản ngân sách hàng năm lên tới 50 triệu USD. Tuy nhiên, nhiều nước Arab sau đó đã quay lưng với Hamas.
Iran từ lâu cũng được xem là nhà tài trợ lớn cho phong trào Hamas. Trang tin Ynet tháng 8/2018 dẫn nguồn tin Palestine cho biết các khoản hỗ trợ của Iran cho Hamas thời điểm đó lên tới 70 triệu USD mỗi năm.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đầu tuần này điện đàm với lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh, cam kết tiếp tục hỗ trợ cho phong trào. Trước đó, Zarif cũng lên án hành động của Israel trên lãnh thổ Palestine.
Hamas trở nên nổi tiếng sau intifada đầu tiên khi nhóm vũ trang này phản đối hiệp định hòa bình Oslo được ký đầu thập niên 1990 giữa Isarel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), vốn đại diện cho hầu hết người Palestine. Cách phản đối thỏa thuận Oslo mà nhóm này thực hiện là tiến hành các cuộc đánh bom tự sát nhằm vào người Israel.
Trong tháng 2 và 3 năm 1996, nhóm đã thực hiện một số vụ đánh bom xe tự sát, giết gần 60 người Israel để trả đũa vụ ám sát nhà sản xuất bom Yahya Ayyash của Hamas vào tháng 12/1995.
Các vụ đánh bom đẫm máu này đã khiến người Israel tức giận, khiến Tel Aviv rời khỏi tiến trình hòa bình và đưa Benjamin Netanyahu, người phản đối hiệp định Oslo, lên nắm quyền vào năm đó.
Trong thế giới hậu Oslo, đặc biệt sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh ở Trại David năm 2000 của tổng thống Mỹ Bill Clinton và phong trào intifada thứ hai sau đó không lâu, Hamas đã giành được quyền lực và ảnh hưởng khi Israel gây sức ép với Chính quyền Palestine mà họ cáo buộc tài trợ cho các cuộc đánh bom tự sát.
Hamas đã thiết lập phòng khám và trường học phục vụ những người Palestine thất vọng về tình trạng tham nhũng và hoạt động không hiệu quả của chính quyền do phe Fatah thống trị.
Nhiều người Palestine đã cổ vũ các cuộc tấn công tự sát của Hamas trong những năm đầu của intifada thứ hai. Họ coi các hoạt động "tử vì đạo" là để trả thù cho những mất mát của chính họ và việc xây dựng khu định cư của người Israel ở Bờ Tây, vùng đất mà người Palestine coi là một phần lãnh thổ.
Trong tháng 3 và 4 năm 2004, lãnh đạo tinh thần của Hamas Sheikh Ahmed Yassin và người kế nhiệm Abdul Aziz al-Rantissi đã bị ám sát trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Israel ở Gaza.
Sau khi lãnh đạo Fatah Yasser Arafat qua đời vào tháng 11 năm đó, Mahmoud Abbas, người luôn xem các vụ tấn công bằng rocket của Hamas là phản tác dụng, lên nắm quyền ở Palestine. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử quốc hội Palestine năm 2006, Hamas giành chiến thắng áp đảo và chống lại mọi nỗ lực ký kết các thỏa thuận trước đó của Palestine với Israel, cũng như công nhận sự tồn tại hợp pháp của nhà nước Israel.
Hiến chương năm 1988 của Hamas xem đất nước Palestine trước đây, bao gồm cả Israel hiện tại, là vùng đất của người Hồi giáo và loại trừ bất kỳ tiến trình hòa bình vĩnh viễn nào với nhà nước Do Thái. Văn kiện này cũng nhiều lần nhắm vào người Do Thái, dẫn tới cáo buộc đây là phong trào chống Do Thái.
Năm 2017, Hamas đưa ra tài liệu chính sách mới, mềm hóa một số lập trường trước đó và sử dụng từ ngữ có chừng mực hơn. Nó đã chính thức chấp thuận việc thành lập một nhà nước Palestine lâm thời ở Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem, dù không được Israel công nhận. Tài liệu cũng nhấn mạnh cuộc đấu tranh của Hamas không nhắm vào người Do Thái, mà là những kẻ xâm lược theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái.
Israel tuyên bố phong trào Hamas đang cố "đánh lừa thế giới". Chính phủ mới do Hamas lãnh đạo đã phải hứng các lệnh trừng phạt cứng rắn của Israel và đồng minh phương Tây.
Sau khi Hamas lật đổ các lực lượng trung thành với Fatah ở Gaza năm 2007, Israel đã siết chặt phong tỏa lãnh thổ và các cuộc giao tranh giữa Israel với Hamas vẫn tiếp tục.
Israel buộc Hamas phải chịu trách nhiệm cho tất cả cuộc tấn công từ Dải Gaza và đã thực hiện ba chiến dịch quân sự lớn ở khu vực này. Vào tháng 12/2008, quân đội Israel phát động chiến dịch Cast Lead để ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa. Hơn 1.300 người Palestine và 13 người Israel đã thiệt mạng trong cuộc xung đột 22 ngày.
Israel cũng dùng lý do tương tự để phát động chiến dịch Pillar of Defence vào tháng 11/2012, bắt đầu bằng cuộc không kích giết Ahmed Jabari, chỉ huy lữ đoàn Qassam. Khoảng 170 người Palestine, phần lớn là dân thường, và 6 người Israel đã chết trong 8 ngày giao tranh.
Sau hai cuộc xung đột, Hamas đã bị tổn hại về mặt quân sự nhưng giành được sự ủng hộ mới từ người Palestine, vìphong trào này vẫn tồn tại sau khi chiến đấu với Israel.
Chiến sự ở Gaza lại bùng phát lần nữa vào giữa năm 2014, khi Israel mở chiến dịch quân sự trên bộ tấn công nhiều mục tiêu Hamas ở Dải Gaza. Ít nhất 2.251 người Palestine, trong đó có 1.462 dân thường, đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài 50 ngày. Về phía Israel, 67 binh sĩ và 6 dân thường cũng đã thiệt mạng.
Từ năm 2014, nhiều vụ đụng độ bạo lực đã bùng phát giữa hai bên và thường kết thúc bằng cách lệnh ngừng bắn do Ai Cập, Qatar và Liên Hợp Quốc làm trung gian, khiến xung đột không leo thang thành chiến tranh toàn diện.
Bất chấp áp lực vây hãm, Hamas vẫn nắm quyền lực ở Gaza và tiếp tục phát triển kho vũ khí ngày càng tinh vi. Những nỗ lực hòa giải với phong trào Fatah cũng thất bại.
Trong khi đó, cuộc sống của hai triệu người Palestine ở Dải Gaza ngày một xuống cấp. Nền kinh tế của khu vực đã sụp đổ, khiến mọi người phải sống trong cảnh thiếu nước, điện và thuốc men, trong khi triển vọng về một nền hòa bình lâu dài ngày càng mịt mờ.
Thanh Tâm (Theo BBC, Times of Israel, AA)