Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài sẽ kéo dài 14 ngày và đang chờ chính phủ phê duyệt, dự kiến có hiệu lực từ đêm 28/11. Giới chức Israel hy vọng sẽ có thêm thông tin về hiệu quả của vaccine Covid-19 đối với biến chủng Omicron trong giai đoạn này.
Công dân Israel nhập cảnh sẽ phải cách ly, dù đã tiêm chủng đầy đủ. Cơ quan An ninh Israel (Shin Bet), một trong ba tổ chức tình báo lớn nhất đất nước, sẽ sử dụng công nghệ theo dõi điện thoại để phát hiện người nhiễm biến chủng Omicron và ngăn virus lây lan, Thủ tướng Bennett cho hay.
"Chúng tôi đặt giả thuyết rằng biến chủng này đã xuất hiện ở gần như mọi quốc gia và vaccine vẫn có hiệu quả, nhưng chưa rõ mức độ như thế nào", Bộ trưởng Nội vụ Israel Ayelet Shaked cho hay.
Israel đến nay đã ghi nhận một ca nhiễm biến chủng Omicron và 7 ca nghi nhiễm. Bộ Y tế nước này không cho biết người nhiễm đã tiêm chủng hay chưa, trong khi một nửa ca nghi nhiễm đã được tiêm vaccine và ba người không ra nước ngoài trong thời gian gần đây.
Israel đến nay đã ghi nhận 1,3 triệu ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 8.000 người đã chết. Khoảng 57% dân số 9,4 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ, đồng nghĩa với họ đã tiêm liều vaccine Pfizer/BioNTech tăng cường hoặc mới tiêm liều thứ hai chưa đầy 5 tháng.
Omicron được báo cáo lần đầu ở Nam Phi, một số ca nhiễm khác cũng được ghi nhận tại Botswana, Israel và đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp khẩn ngày 26/11, xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao hơn Delta.
Nhiều khu vực trên thế giới đang chạy đua với thời gian khống chế biến chủng Omicron lan rộng bằng các biện pháp siết xuất nhập cảnh và cách ly, xét nghiệm người về từ châu Phi.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29/11 bắt đầu cấm chuyến bay từ Nam Phi và khu vực lân cận. 4 nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore đã siết đi lại với các nước phía nam châu Phi, yêu cầu cách ly người nhập cảnh trong những ngày qua.
Anh cũng cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng. Những động thái tương tự đã được áp dụng tại Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi Angelique Coetzee cho rằng biến chủng mới gây triệu chứng nhẹ và chưa được phát hiện ở người đã tiêm chủng ở Nam Phi. Phần lớn ca nhiễm được theo dõi thời gian qua là người trẻ, dưới 40 tuổi.
Thế giới đã ghi nhận hơn 261 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 5,2 triệu ca tử vong, trong khi 234.184.189 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Vũ Anh (Theo Reuters)