Báo cáo của một nhóm nhà khoa học quốc tế đăng trên tạp chí Science & Global Security gần đây cho thấy tia "chớp đôi" bí ẩn được vệ tinh Vela của Mỹ chụp được năm 1979 ở Ấn Độ Dương nhiều khả năng bắt nguồn từ một vụ thử hạt nhân trên khí quyển của Israel, Sputnik ngày 14/8 đưa tin.
Theo nghiên cứu, tuyến giáp của những con cừu được chăn thả tại một khu vực nông thôn nằm bên bờ Ấn Độ Dương của Australia có dấu hiệu nhiễm chất phóng xạ iodine-131 sau sự kiện đó 4 ngày. Phân tích cũng chỉ ra rằng những cơn gió đã mang theo bụi phóng xạ từ quần đảo Prince Edward ở Ấn Độ Dương đến Australia.
Các mẫu kiểm tra tuyến giáp của những con cừu này được thu thập và gửi hàng tháng đến Mỹ năm 1979, nhưng kết quả chỉ được công bố gầy đây theo đạo luật tự do thông tin.
"Ngay từ năm 1979, người ta đã xác định được rằng tuyến giáp của những động vật ăn cỏ, đặc biệt là cừu, được chăn thả ở khu vực này có rất nhiều chất iodine-131, một chất phóng xạ phát sinh trong các vụ thử vũ khí hạt nhân ở khí quyển", báo cáo nhấn mạnh.
Nhóm nhà khoa học kết luận rằng hình ảnh vệ tinh và tín hiệu thủy âm từ cảm biến dưới nước là bằng chứng rõ ràng cho thấy vụ nổ trong khí quyển được Vela ghi lại chính là một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân bất hợp pháp.
Giáo sư y học Nick Wilson thuộc Đại học Otago, Wellington nhận định rằng nghiên cứu đã củng cố bằng chứng cho thấy vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân này nhiều khả năng do Israel tiến hành dưới sự hỗ trợ của Nam Phi.
Chuyên gia vũ khí hạt nhân Leonard Weiss thuộc Đại học Stanford thì cho rằng ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy Tel Aviv liên quan đến vụ thử. "Israel là nước duy nhất có khả năng kỹ thuật và động lực để thực hiện vụ thử nghiệm đáng ngờ này", Weiss nói.
Đại sứ Israel tại New Zealand Itzhak Gerberg cho rằng cáo buộc nước này thử nghiệm vũ khí hạt nhân bất hợp pháp ở Ấn Độ Dương là "không có cơ sở". Israel từ lâu được cho là đang sở hữu một số vũ khí hạt nhân, song quốc gia này không bao giờ lên tiếng bác bỏ hay xác nhận điều đó.