Cuộc tập kích của không quân Israel phá hủy lò phản ứng hạt nhân Iraq.
Việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa và bom hạt nhân khiến Mỹ ngày càng lo ngại rằng Bình Nhưỡng sắp sở hữu vũ khí hủy diệt hàng hoạt có thể bắn tới lục địa Bắc Mỹ. Trong thập niên 1970, Israel cũng từng trải qua cảm giác lo sợ này, buộc họ phải phát triển một học thuyết nhằm loại trừ mối đe dọa hạt nhân từ trong trứng nước, theo NYTimes.
Năm 1976, Iraq mua lò phản ứng hạt nhân lớp Osiris của Pháp với tuyên bố phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học hòa bình. Tuy nhiên, Israel cho rằng lò phản ứng được Iraq thiết kế để chế tạo đầu đạn hạt nhân gắn lên tên lửa đạn đạo có thể hủy diệt quốc gia này.
Sau khi lên nắm quyền vào năm 1977, Thủ tướng Israel Menachem Begin đã tìm cách thuyết phục Mỹ và châu Âu rằng nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein là một mối đe dọa hiện hữu và rõ ràng với quốc gia Do Thái, yêu cầu họ phải có hành động ngay lập tức. Tuy nhiên, các nỗ lực vận động của ông Begin không đem lại kết quả nào.
Nhưng Begin vẫn tin vào nhận định của mình và tới năm 1981, ông quyết định rằng Israel phải hành động để ngăn cản Iraq sở hữu vũ khí hạt nhân. Các đối thủ chính trị của ông lúc đó do Shimon Peres dẫn đầu coi đây là quyết định điên rồ đầy nguy hiểm. Ngoại trưởng Moshe Dayan cũng phản đối hành động đơn phương chống Iraq vì ông cho rằng điều này sẽ tổn hại đến vị thế quốc tế của Israel.
Bộ trưởng Quốc phòng Ezer Weizmann cũng quyết liệt phản đối phương án quân sự. Ông cho rằng việc phát động một chiến dịch không kích nhắm vào cơ sở hạt nhân của Iraq tiềm ẩn những rủi ro không thể chấp nhận được.
Thủ tướng Begin không hề có kinh nghiệm quân sự, nhưng gia đình ông đã bị thảm sát trong thảm họa diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã. Ông coi nhà lãnh đạo Saddam Hussein là một "Hitler mới" và là mối đe dọa rõ ràng với Israel. Begin cho rằng việc khoanh tay ngồi chờ điều tốt đẹp nhất không phải là chiến lược hay mà chỉ là hành động mời kẻ địch tấn công. Nếu phải trả giá về chính trị, ngoại giao, quân sự, Israel tốt nhất nên làm điều đó trước khi Iraq sở hữu bom hạt nhân.
Mùa hè năm 1981, Begin đích thân ra lệnh phát động chiến dịch Opera. Không quân Israel thực hiện một cuộc đột kích táo bạo, ném bom phá hủy lò phản ứng Osiris, khiến 10 binh sĩ Iraq và một kỹ sư Pháp thiệt mạng.
Cuộc tập kích đã gây sốc trên toàn thế giới. Hội đồng Bảo an lên án hành động quân sự đơn phương của Israel, châu Âu nổi giận, còn tờ NYTimes lúc đó gọi quyết định tấn công này của Tel Aviv là "không thể bào chữa". Nhưng Thủ tướng Begin không hề có ý định bào chữa, ông chỉ đưa ra một lý lẽ đơn giản, sau này được biết đến như Học thuyết Begin: Israel sẽ không cho phép kẻ thù sở hữu vũ khí có thể hủy diệt nước này.
Một thập kỷ sau, khi Chiến tranh vùng Vịnh nổ ra, Học thuyết Begin đã chứng minh được sự đúng đắn của nó. Quân đội Iraq lúc đó đã phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo Scud vào các thành phố của Israel, gây ra một số thiệt hại và hoảng loạn trong dân chúng, nhưng số tên lửa này đều không được trang bị đầu đạn hạt nhân. Những đầu đạn đó đã bị Israel xóa sổ từ trong trứng nước.
Học thuyết Begin được Israel áp dụng một lần nữa vào năm 2007, khi nước này cho rằng Syria đang tìm cách xây dựng một lò phản ứng hạt nhân với sự giúp đỡ của Triều Tiên. Thủ tướng Ehud Olmert, một học trò của Begin, đã cử Giám đốc tình báo Mossad Meir Dagan tới Washington, thuyết phục Mỹ có biện pháp can thiệp.
Giám đốc CIA khi đó là Michael Hayden nhất trí với đánh giá của Israel rằng Syria đang xây dựng một lò phản ứng hạt nhân, nhưng ông thuyết phục Tổng thống George W. Bush không nên tấn công, bởi hành động đánh bom cơ sở hạt nhân đó sẽ làm nổ ra một cuộc chiến tranh tổng lực không ai mong muốn.
Nhận thấy Mỹ không chịu ra tay, Israel quyết định tiếp tục đơn phương hành động và phá hủy cơ sở hạt nhân của Syria trong vụ không kích được cho là khiến một nhóm chuyên gia Triều Tiên thiệt mạng. Sau này, Hayden thừa nhận rằng đã nhận định sai về cách phản ứng của Syria. Một số chuyên gia cho rằng nếu lúc đó Israel nghe theo CIA và không hành động, Syria giờ đây có thể đã sở hữu vũ khí hạt nhân.
Vài năm sau đó, Israel cũng chi hàng tỷ USD để chuẩn bị và huấn luyện các phương án nhằm loại bỏ chương trình hạt nhân của Iran, tuy nhiên chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngăn cản bất cứ hành động quân sự đơn phương nào của Tel Aviv. Năm 2015, Mỹ và 5 cường quốc khác đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, bất chấp sự phản đối của Israel. Thủ tướng Israel Netanyahu cảnh báo rằng thỏa thuận này vẫn còn nhiều lỗ hổng, có thể cho phép Iran bí mật phát triển chương trình hạt nhân và chế tạo các loại tên lửa mới.
Giới chức Israel cáo buộc Iran tiếp tục hợp tác hạt nhân với Triều Tiên và bắt chước chiến thuật của Bình Nhưỡng triển khai số lượng lớn pháo binh thông qua lực lượng vũ trang Hezbollah ở Lebanon và Syria để đe dọa các thành phố của Israel. Dàn pháo binh Triều Tiên đe dọa thủ đô Seoul của Hàn Quốc được coi là sự răn đe lớn nhất đối với bất cứ hành động quân sự nào của liên minh Mỹ - Hàn nhằm vào Triều Tiên.
Bình luận viên Zev Chafets cho rằng Học thuyết Begin có thể là lời cảnh báo với Mỹ trong giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay. Theo ông, cứ mỗi lần Triều Tiên phóng thử một quả tên lửa đạn đạo hay kích nổ một quả bom hạt nhân, nước này sẽ tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm thực tiễn phục vụ cho quá trình chế tạo tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới Mỹ.
Chafets cho rằng nếu Mỹ không có những hành động quyết liệt mà chỉ chờ đợi điều tốt đẹp nhất xảy ra, các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc có thể sẽ xét tới Học thuyết Begin để áp dụng cho mình và tung đòn tấn công phủ đầu nhắm vào Triều Tiên.
Sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ sáu, chính quyền Seoul và Tokyo đang chịu sức ép rất lớn từ dư luận và các đảng đối lập trong việc phải có hành động quyết liệt hơn nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa, hạt nhân ngay sát nách. Dù các chuyên gia đánh giá khả năng các quốc gia này tự phát triển năng lực răn đe và tấn công phủ đầu còn khá xa vời, không điều gì là không thể xảy ra trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay.
Trí Dũng