Ngày 14/1, thủ đô Jakarta của Indonesia rung chuyển bởi một loạt 7 vụ nổ khiến ít nhất 6 người thiệt mạng, trong đó có ba cảnh sát. Cảnh sát quốc gia Indonesia gọi đây là một vụ tấn công khủng bố, với sự tham gia của 10 - 14 tên, và các nghi phạm vẫn đang cố thủ bên trong một tòa nhà.
Loạt vụ nổ này đã làm dấy lên nỗi lo ngại về việc phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã xuất hiện và gây tội ác ở đất nước Đông Nam Á này. Người phát ngôn cảnh sát quốc gia Indonesia cho biết các vụ nổ trên nhiều khả năng do những kẻ đánh bom tự sát có liên quan đến IS gây ra.
Một ngày trước khi xảy ra cuộc tấn công này, các chuyên gia chống khủng bố quốc tế đã cảnh báo rằng IS đang tìm cách thiết lập cơ sở và tuyên bố thành lập một căn cứ tại châu Á trong năm 2016, và Philippines hoặc Indonesia là những mục tiêu khả dĩ nhất, theo Diplomat.
Từ lâu, các quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống ở Đông Nam Á đã trở thành một nguồn tuyển mộ quan trọng của IS, với hơn 500 công dân Indonesia và hàng chục người Malaysia đã vượt biên tới Trung Đông tham gia tổ chức này và thành lập đơn vị chiến đấu của riêng mình có tên là Katibah Nusantara (Đội Chiến đấu Quần đảo Malay). Hồi đầu tuần, có thông tin cho hay hai người Malaysia thuộc đơn vị này đã thực hiện các vụ đánh bom tự sát ở Syria và Iraq, khiến hơn 30 người thiệt mạng.
Các chuyên gia và lãnh đạo quốc tế cho rằng IS đang tìm cách thiết lập một "vùng lãnh thổ" hay ít nhất là một chi nhánh ở Đông Nam Á. Trong diễn đàn Đối thoại Shangri-La năm ngoái, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết IS có thể "thiết lập một căn cứ đâu đó trong khu vực", giống những gì chúng đang thực hiện ở Iraq và Syria.
Trong bài viết trên Straits Times hôm 13/1, chuyên gia chống khủng bố Rohan Gunaratna cho rằng IS có thể sẽ lập ra ít nhất một chi nhánh ở Đông Nam Á trong năm nay, và sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
"IS quyết tâm tuyên bố thành lập một tỉnh ở châu Á trong năm 2016", giáo sư Gunaratna thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, cho hay.
Chuyên gia này cho rằng nếu kế hoạch này của IS thành công, hậu quả đối với khu vực sẽ rất thảm khốc. Nếu IS thiết lập được một căn cứ ở Indonesia hoặc Philippines, chúng sẽ thu hút thêm được nhiều phần tử từ các nước láng giềng gia nhập, những kẻ không có điều kiện tới Syria.
Khi đó, IS có thể sẽ cử các chuyên gia chất nổ, các chuyên viên chiến thuật và chiến binh dày dạn kinh nghiệm của mình tới Đông Nam Á để huấn luyện những kẻ vừa được tuyển mộ từ Malaysia, Australia hay thậm chí là Trung Quốc. Để phô trương thanh thế và tranh giành lãnh thổ, chúng có thể thực hiện những vụ chặt đầu, giết người hàng loạt và tấn công khủng bố.
Quân đội Philippines đang duy trì một lực lượng mạnh ở khu vực bất ổn phía nam, đặc biệt là ở Sulu, Basilan, nên nhiều khả năng IS sẽ không thể thành lập một chi nhánh ở khu vực này. Bởi vậy, phiến quân rất có thể sẽ chuyển hướng mục tiêu sang Indonesia, theo ông Gunaratna.
Hồi tháng trước, Tổng chưởng lý George Brandis của Australia cũng cảnh báo rằng IS đã xác định Indonesia là một địa điểm thích hợp cho một "đế chế phương xa".
Điều kiện thuận lợi
"Indonesia là nơi rất dễ tổn thương trước IS", Dewi Fortuna Anwar, cố vấn của Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla, tuyên bố trong một diễn đàn khu vực mới đây ở Singapore. "Chúng tôi đang tìm hiểu vai trò của các lãnh đạo tôn giáo trong nước để đưa ra các phương án đối phó".
Theo các nhà quan sát, Indonesia có nhiều điều kiện thuận lợi để IS có thể xâm nhập và phát triển. Quốc gia này có 210 triệu người Hồi giáo, đông hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới, với hai tổ chức Hồi giáo chính, trong đó có nhóm Nahdlatul Ulama thường viện dẫn cách giải thích của đạo Hồi để biện minh cho bạo lực.
Trong những năm qua, nước này đã chứng kiến một số vụ tấn công khủng bố đẫm máu do các tổ chức có liên hệ với al-Qaeda gây ra, trong đó có vụ đánh bom trên đảo Bali năm 2002 khiến 202 người thiệt mạng, trong đó chủ yếu là du khách nước ngoài, theo Nikkei.
Gần đây, giới chức Indonesia đặc biệt quan ngại với khả năng 500 công dân nước này sau khi tham chiến cho IS ở Trung Đông sẽ về nước và gây ra các vụ tấn công khủng bố, tạo tiền đề cho IS hiện diện ở quốc gia này. Nguy cơ càng tăng cao khi IS đang mất nhiều lãnh thổ ở Iraq và Syria nên tìm cách bù đắp bằng cách tăng cường hoạt động ở nước ngoài.
Theo Sidney Jones, giám đốc Viện Phân tích Chính sách Xung đột ở Jakarta, hầu hết người Indonesia vượt biên đến Trung Đông gia nhập IS đều được rèn luyện trong môi trường thực chiến, và được trang bị những kỹ năng chiến đấu đáng kể. Khi được lãnh đạo IS giao nhiệm vụ trở về nước, họ sẽ là ẩn họa khôn lường cho lực lượng an ninh sở tại.
Tháng 12 năm ngoái, cảnh sát Indonesia tuyên bố phá vỡ một âm mưu tấn công khủng bố có liên quan đến IS trong dịp Giáng sinh và năm mới, tương tự như những gì IS đã thực hiện ở Paris, Lebanon hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Quân đội Indonesia cũng đã có những động thái phòng ngừa sự xâm nhập của IS bằng một chiến dịch truy quét quyết liệt ở Poso và khu vực lân cận để săn lùng Abu Wardah, kẻ hậu thuẫn IS nổi tiếng nhất ở Indonesia.
Ở nhiều địa phương khác, cảnh sát Indonesia cũng đã thực hiện một loạt vụ bắt giữ những kẻ được cho là đang lên kế hoạch giúp IS xây dựng một căn cứ tại đất nước này.
Với một loạt vụ tấn công vừa xảy ra ở thủ đô Jakarta, có vẻ như các lực lượng an ninh Indonesia đã không thể ngăn chặn được làn sóng bạo lực vốn đã được dự đoán sẽ xảy ra ở đất nước này ngay từ đầu năm 2016. Dù chưa xác định được tổ chức nào đứng sau vụ tấn công, giới phân tích cho rằng đây là tín hiệu đáng báo động về làn sóng khủng bố đối với Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Trí Dũng