Ngày 22/12, các lực lượng an ninh Iraq dưới sự yểm trợ của không quân Mỹ đã tiến đến gần khu vực trung tâm thành phố chiến lược Ramadi và chuẩn bị tung ra đòn tấn công cuối cùng tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) cố thủ tại đây trong chiến dịch phản công được chuẩn bị suốt nhiều tháng trời và được coi là phép thử quan trọng đối với chính phủ Iraq, theo NYTimes.
Sau những đợt không kích dữ dội của chiến đấu cơ Mỹ, quân đội, cảnh sát Iraq phối hợp với dân quân người Sunni bắt đầu áp sát trung tâm thành phố từ đêm qua. Các quan chức Iraq mô tả đây là một cuộc tấn công trong môi trường tác chiến đô thị khốc liệt, nơi các binh sĩ Iraq phải đối mặt với bom xe, hỏa lực bắn tỉa và các loại bẫy nổ. Quân đội Iraq ước tính khoảng 300 tay súng IS đang cố thủ bên trong khu vực trung tâm Ramadi.
Nếu quân đội Iraq thành công trong chiến dịch tái chiếm Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar lớn nhất Iraq, đây sẽ là thất bại quân sự cay đắng nhất của phiến quân IS sau những trận thua liên tiếp kể từ khi tổ chức khủng bố này tràn vào Iraq hồi năm ngoái.
Hồi tháng 4, quân đội Iraq và dân quân người Shiite đã đánh bật được IS ra khỏi thành phố Tikrit, và tiếp tục tiến đánh, tái chiếm thành phố lọc dầu Baiji vào tháng 10. Tháng trước, dân quân người Kurd và Yazidi đã tấn công phiến quân IS ở thành phố Sinjar, phía bắc Iraq, khiến IS phải rút lui.
Chiếm được Ramadi, thành phố chỉ cách thủ đô Baghdad khoảng 100 km, sẽ là một thắng lợi về tinh thần rất cần thiết đối với chính phủ của Thủ tướng Haider al-Abadi, đồng thời thể hiện sự hợp tác thành công giữa quân đội Iraq và lực lượng dân quân người Sunni. Điều quan trọng hơn, chiến thắng này sẽ giúp quân đội Iraq vớt vát được danh dự sau những thất bại quân sự đáng hổ thẹn.
Ramadi rơi vào tay IS từ tháng 5, sau khi hàng ngàn lính đặc nhiệm, binh sĩ Iraq đóng quân tại thành phố này hoảng hốt tháo chạy trước đợt tấn công của phiến quân IS, để lại nhiều vũ khí, khí tài có giá trị. Sự sụp đổ chóng vánh của Ramadi đã bộc lộ những điểm yếu chết người của quân đội Iraq, đó là tổ chức kém, khả năng chỉ huy kém, cũng như tinh thần chiến đấu bạc nhược, đến mức nhiều quan chức Mỹ phải thốt lên rằng lính Iraq "không hề có tinh thần chiến đấu". Chính phủ Iraq cũng bị chỉ trích vì lưỡng lự không muốn điều quân tới Ramadi để chi viện cho dân quân người Sunni bám trụ trong thành phố chống IS.
Tốc độ tiến quân của các lực lượng an ninh Iraq hôm thứ hai và thứ ba vừa rồi đã thắp lên hy vọng rằng sau nhiều tháng trời chuẩn bị, chính phủ Iraq cuối cùng cũng đã xây dựng được một lực lượng đủ lớn để giành thế áp đảo ở Ramadi, và khởi động một chiến dịch quân sự lớn hơn để chống lại IS tại những khu vực khác của tỉnh Anbar.
Thảm bại khó tránh
"Tôi cho rằng việc IS thảm bại ở Ramadi là không thể tránh khỏi", đại tá Steven H. Warren, người phát ngôn quân đội Mỹ tại Iraq, tuyên bố. Nhưng ông này cũng tỏ ra thận trọng khi nói rằng đòn tấn công cuối cùng vào trung tâm Ramadi, nơi 300 tay súng IS luôn sẵn sàng thực hiện các cuộc đánh bom tự sát, "sẽ là một trận chiến khó khăn".
Các cuộc tấn công tương tự tại những đô thị lớn như Tikrit hay Baiji cũng phải kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng, và kinh nghiệm chiến trường cho thấy phiến quân IS không dễ gì chịu bỏ cuộc. Suốt hai tuần qua, từ 600 đến 1.000 tay súng IS đã chống trả quyết liệt khi bị hàng nghìn binh sĩ, cảnh sát và dân quân Iraq bao vây, cùng với những đợt không kích dữ dội của Mỹ.
Hiện khoảng 300 phiến quân IS sống sót sau các trận không kích đang phải co cụm cố thủ ở khu vực trung tâm thành phố, lọt thỏm giữa hai con sông lớn, mặt còn lại ở phía đông đang bị quân đội Iraq vây chặt. IS đã phá hủy tất cả các cây cầu dẫn vào thành phố, đồng thời chặt đứt luôn đường rút lui và tiếp viện của chúng, các quan chức Iraq cho hay.
"Chúng tôi tiến vào trung tâm Ramadi từ nhiều hướng khác nhau, và đang bắt đầu lùng sục trong các khu dân cư", tướng Sabah al-Numani, người phát ngôn đơn vị chống khủng bố của quân đội Iraq phụ trách chiến dịch tấn công, cho biết. Ông này dự đoán rằng thành phố Ramadi "sẽ sạch bóng IS trong 72 giờ tới".
Đại tá Warren cho biết quân đội Iraq từ phía tây đã triển khai cầu phao để đưa binh sĩ và các trang thiết bị hạng nặng vượt sông Euphrates tiến vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, khi vừa tiếp cận khu vực này, ít nhất 14 binh sĩ, 17 dân quân đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe tự sát ở khu vực Albu Diab, phía tây bắc trung tâm thành phố, theo Al Jazeera.
Hôm chủ nhật, máy bay Iraq đã thả truyền đơn xuống Ramadi, kêu gọi dân thường trong thành phố sơ tán trong vòng 72 giờ, đồng thời vạch ra hai tuyến đường sơ tán cho họ. Đại tá Warren ước tính khoảng hơn 10.000 dân thường vẫn đang ở trong thành phố, và chỉ có vài trăm người rời đi sau khi quân đội Iraq rải truyền đơn.
Ông Warren cho biết IS cũng đã rải truyền đơn ở thành phố Fallujah gần đó, kêu gọi các tay súng đóng giả làm lực lượng an ninh Iraq và gây ra những vụ thảm sát dân thường để bôi nhọ quân đội, cảnh sát Iraq và gây hoang mang tột độ trong dân chúng.
Một quan chức an ninh ở tỉnh Anbar cho hay IS đang tìm mọi cách ngăn cản người dân Ramadi rời khỏi thành phố, và sử dụng họ làm lá chắn sống để ngăn chặn các cuộc tấn công của quân đội Iraq. Cũng theo quan chức giấu tên này, quân đội Iraq tiến vào từ phía đông nam chỉ còn cách tòa nhà thị chính khoảng 3 km, và khu ngoại ô Bakir mà họ vừa đi qua đã bị "phá hủy hoàn toàn" sau những trận không kích và pháo kích liên miên.
Một trong những vấn đề khiến Mỹ đau đầu hiện nay là quân đội Iraq sẽ làm gì sau khi tiêu diệt hoàn toàn IS ở Ramadi. Nếu lực lượng quân sự đa phần là người Shiite này kiểm soát và điều hành thành phố, người dân Sunni địa phương sẽ bất mãn và chống lại, gây ra nguy cơ bất ổn mới. Mỹ đã huấn luyện lực lượng dân quân người Sunni để thực hiện công việc này, nhưng có vẻ như chính phủ Iraq vẫn còn ngần ngại trong việc để người Sunni điều hành và bảo vệ thành phố.
Trí Dũng