Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố sẽ viện trợ các loại vũ khí, trang bị hiện đại, trong đó có trực thăng tấn công Apache, cho quân đội Iraq để đẩy nhanh chiến dịch tái chiếm thành phố chiến lược Ramadi ở nước này từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Chiến dịch bao vây, tấn công Ramadi của quân đội và dân quân Iraq dưới sự yểm trợ hỏa lực của liên quân do Mỹ đứng đầu đã được phát động từ ngày 22/11. Hồi tháng 7, các lực lượng an ninh Iraq đã mở một chiến dịch tấn công lớn vào Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar lớn nhất Iraq, nhưng không thành công vì IS phòng ngự kiên cố trong thành phố với hệ thống hầm chiến đấu, giao thông hào, cùng các ụ súng máy, bãi mìn và nhiều xe bom sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công tự sát.
Bằng hệ thống phòng ngự này, chỉ với 400 tay súng cố thủ, IS đã cầm cự và đẩy lùi các đợt tấn công của 10.000 quân Iraq, theo NYTimes. Trong chiến dịch tái chiếm lần này, quân đội Iraq cũng gặp rất nhiều khó khăn khi các chiến đấu cơ của họ và của liên quân không phát huy hiệu quả cao trong môi trường tác chiến đô thị.
Tuy nhiên, phát biểu trong một cuộc họp báo mới đây, đại tá Steven Warren, phát ngôn viên liên quân do Mỹ đứng đầu, cho biết lực lượng IS phòng ngự tại thành phố Ramadi đã phạm phải một sai lầm chiến thuật nghiêm trọng và tự đẩy mình vào thế "chui đầu vào rọ", theo AP.
Sau ba tuần cầm cự trước các cuộc tấn công của quân đội Iraq và những đợt không kích của Mỹ, số tay súng IS bên trong Ramadi đã giảm xuống ước tính còn lại khoảng 300 tên. Để ngăn chặn bước tiến của lực lượng tấn công, IS đã cho nổ tung lần lượt từng cây cầu bắc qua sông Euphrates và nhánh sông Warar dẫn vào thành phố.
Ngày 11/12, IS đã cho nổ tung cây cầu cuối cùng trên sông Eupharates, trong khi quân đội chính phủ và dân quân người Shiite đang siết chặt vòng vây và củng cố các vị trí đã chiếm được ở ngoại ô thành phố này. Thiếu tướng Ismail al-Mahlawi, chỉ huy chiến dịch quân sự ở phía tây tỉnh Anbar cho biết đây là cây cầu duy nhất còn sót lại dẫn vào trung tâm thành phố Ramadi từ phía tây bắc.
Với việc phá hủy cây cầu này, IS sẽ làm chậm đáng kể bước tiến của quân đội Iraq, nhưng đồng thời chúng cũng tự dồn mình vào chỗ chết khi bị mắc kẹt hoàn toàn trong thành phố bị vây hãm này mà không còn lối nào để rút lui.
"Đây có thể là một sai lầm chiến thuật của IS. Điều chúng đang làm hiện nay là tự cắt đứt đường sống của mình. Hiện phiến quân ở bờ bắc sông Eupharates không thể rút lui, trong khi lực lượng chi viện cho chúng ở bờ nam không thể tiến được vào thành phố", đại tá Warren nói.
Phá hủy mọi thứ
Ông Muhammad Haimour, người phát ngôn văn phòng tỉnh trưởng Anbar cho hay ông nhận được tin báo từ người dân bên trong thành phố Ramadi cho biết IS đang phá hủy các tòa nhà chính quyền và trạm phát sóng vô tuyến.
"Chúng tôi đã từng chứng kiến hành động này của chúng. Khi bị bao vây, chúng thường gài mìn thổi tung các cây cầu cùng rất nhiều cơ sở hạ tầng bên trong thành phố", ông Haimour cho biết.
Quan chức này nói rằng theo những thông tin ông nhận được, các chiến binh IS bắt đầu đưa người thân ra khỏi Ramadi hướng về thị trấn Hit ở phía tây bắc cách đây hai tháng. Đây chính là thời điểm quân đội Iraq và dân quân người Shiite đang rục rịch chuẩn bị cho chiến dịch tái chiếm thủ phủ tỉnh Anbar.
Theo ông Haimour, chiến dịch quân sự tấn công vào Ramadi đã có những bước tiến đáng kể từ khi chính quyền trung ương Iraq quyết định vũ trang cho các chiến binh bộ tộc người Sunni ở Ramadi để chống lại IS.
"Trước đây, họ cảm thấy không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ liên quân và chính quyền trung ương, nhưng tất cả đã thay đổi cách đây vài tháng. Hiện có khoảng 8.500 chiến binh ở tỉnh Anbar đã được huy động, huấn luyện, trang bị vũ khí và trả lương đầy đủ", ông nói.
Đại tá Warren cho hay trong tuần vừa rồi, chiến đấu cơ liên quân đã thực hiện 36 vụ không kích ở Ramadi, tiêu diệt nhiều ổ đề kháng và ca-nô chiến đấu của IS, đẩy lui nhiều cuộc phản công của phiến quân vào lực lượng bao vây.
Khó khăn hiện nay của liên quân trong chiến dịch không kích là vẫn có 4.000-10.000 dân thường đang mắc kẹt ở Ramadi. Các quan chức Iraq cho biết những dân thường này hoàn toàn có thể rời khỏi thành phố, nhưng đến nay chỉ rất ít người làm như vậy.
Thành phố Ramadi rơi vào tay IS từ hồi tháng 5. Kể từ đó, quân đội Iraq liên tục đưa ra các cam kết tái chiếm thành phố có tầm quan trọng chiến lược này, nhưng đến nay thành công lớn nhất của họ mới chỉ là chiếm được một tổ hợp quân sự ở phía bắc thành phố và khu vực lân cận vào hồi đầu tuần.
Trí Dũng