Hãng thông tấn Tasnim của Iran hôm nay cho biết Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đã phóng thành công vệ tinh Noor 2 lên quỹ đạo cách mặt đất 500 km. Đây là vệ tinh quân sự thứ hai được Iran đưa lên không gian, sau chiếc Noor được phóng hồi tháng 4/2020 và hoạt động ở độ cao 425 km.
Vệ tinh được phóng bằng tên lửa ba tầng đẩy Qased từ sân bay vũ trụ Shahourd.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh những cuộc đàm phán tại Vienna, Áo, nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đang đến giai đoạn quan trọng. Đưa vệ tinh lên quỹ đạo là bước tiến lớn với quân đội Iran, nhưng cũng khiến nhiều nước lo ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Tehran.
Quân đội Mỹ cho rằng những vụ phóng vệ tinh là bình phong để Iran phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa với khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Iran bác bỏ điều này, khẳng định họ chưa bao giờ theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân.
Tehran từng phóng vệ tinh hồi tháng 12/2021 nhưng gặp thất bại do tên lửa đẩy không đạt tốc độ yêu cầu. Động thái này khiến Mỹ, Pháp và Đức chỉ trích Iran.
Iran sở hữu một trong những kho tên lửa lớn nhất tại Trung Đông. Washington áp cấm vận với cơ quan vũ trụ dân sự và hai viện nghiên cứu của Tehran hồi năm 2019, cáo buộc những tổ chức này được dùng để thúc đẩy chương trình tên lửa đạn đạo.
Các nhà ngoại giao cấp cao của Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga đã gặp gỡ quan chức Iran tại Vienna tháng 11 năm ngoái để thảo luận về tiến trình đưa Tehran trở lại Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015. Thỏa thuận này giúp nới lỏng lệnh trừng phạt với Iran và đổi lại, Tehran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của mình.
Mỹ đã rút khỏi JCPOA dưới thời tổng thống Donald Trump và tái áp đặt trừng phạt lên Iran, khiến Tehran nối lại hoạt động làm giàu uranium. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm 3/3 công bố báo cáo cho hay Iran đã tăng đáng kể kho dự trữ uranium làm giàu, vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc.
Vũ Anh (Theo Reuters)