"Chúng tôi là quốc gia đầu tiên trên thế giới phóng được tên lửa từ sâu trong lòng đất mà không sử dụng bệ phóng hay thiết bị thông thường. Những quả đạn được chôn giấu đã xuyên qua lòng đất và đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao", tướng Amir Ali Hajizadeh, tư lệnh lực lượng không gian thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cho biết hôm 29/7.
Video được công bố trên mạng xã hội Iran hôm 29/7 cho thấy tên lửa đạn đạo Iran phóng lên từ khu vực trống trải, không có công trình nào trên mặt đất tại sa mạc ở tỉnh Hormozgan, miền nam nước này.
Giới chuyên gia quân sự chưa rõ thuật ngữ "xuyên qua lòng đất" nghĩa là gì, nhưng nhận định tên lửa đạn đạo Iran có thể được giấu trong giếng phóng kiên cố được lấp đất, không sử dụng cửa mở trước khi phóng như tên lửa đạn đạo của các nước khác. Điều này giúp che giấu vị trí giếng phóng, do cửa nóc và các công trình hỗ trợ có thể bị phương tiện trinh sát đối phương nhận diện.
Các quả đạn Iran rời mặt đất khi động cơ chính đã hoạt động ở công suất tối đa, thay vì được liều phóng phụ đẩy khỏi giếng rồi mới kích hoạt động cơ chính như tên lửa thông thường.
Chuẩn đô đốc Ali Reza Tangsiri, tư lệnh hải quân IRGC, hồi đầu tháng 7 cho biết lực lượng này đã thiết lập hàng loạt "thành phố tên lửa ngầm" ở dọc bờ biển giáp vịnh Ba Tư và vịnh Oman, khẳng định chúng sẽ là "cơn ác mộng với những kẻ thù của Iran". Vụ phóng trong cuộc tập trận Payambar-e Azam 14 (Nhà tiên tri Vĩ đại 14) có thể là lần đầu tên lửa được phóng từ những "thành phố" này.
Ngoài kho tên lửa hành trình và đạn đạo uy lực, Tehran đã xây dựng mạng lưới hầm ngầm kiên cố và được ngụy trang rất kỹ, nhằm bảo vệ lực lượng chiến lược trước đòn phủ đầu của đối phương và tung đòn trả đũa bất ngờ. Đây là một phần của những "thành phố ngầm" chuyên chế tạo tên lửa đạn đạo của Tehran, giúp nước này sở hữu cơ sở hạ tầng khép kín, được gia cố để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị tên lửa chiến lược.
Chúng không chỉ là nơi lưu trữ và lắp ráp tên lửa đạn đạo, mà còn có những giếng phóng kiên cố cho phép khai hỏa tên lửa mà không để lộ bệ phóng, tránh nguy cơ bị đối phương phát hiện và tập kích.
Hệ thống đường hầm bí mật được trang bị nhiều cửa chống nổ và cơ cấu đóng mở tự động, chỉ cho phép một cánh cửa được mở vào bất kỳ thời điểm nào. Điều này giúp cô lập các vụ nổ từ vũ khí xuyên phá hoặc sự cố tên lửa, khiến chúng chỉ gây hư hại được một đoạn hầm thay vì lan truyền và phá hủy toàn bộ căn cứ.
Những khoản đầu tư khổng lồ cho hệ thống hầm ngầm giúp Iran duy trì khả năng răn đe, đủ sức buộc Mỹ và đồng minh trả giá đắt nếu nổ ra chiến tranh ở Trung Đông. Nó đủ sức biến một xung đột có giới hạn trở thành cuộc chiến phức tạp, mang quy mô lớn hơn nhiều so với dự kiến.
Vũ Anh (Theo Sputnik)