Theo Guardian hôm 17/6, tác phẩm hoạt hình đạt 155 triệu USD ở Bắc Mỹ,140 triệu USD tại thị trường quốc tế sau ba ngày công chiếu. Dự án vượt Dune: Part Two trở thành phim có doanh thu mở màn nhất năm nay. Giới chuyên môn nhận định thành tích giúp Inside Out 2 hoàn kinh phí 200 triệu USD và tiền tiếp thị.
Khán giả xem phim tăng mạnh ở các nước khu vực Mỹ Latin, đạt 61 triệu USD. Phim kiếm được 30,2 triệu USD ở Mexico, 14,9 triệu USD ở Hàn Quốc và 13,9 triệu USD ở Anh. Hiện tác phẩm chưa được mở bán tại các thị trường lớn như Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Nhật Bản.
Trước Inside Out 2, nửa đầu năm có một số dự án hoạt hình gây ấn tượng phòng vé. Trong đó, Kung Fu Panda 4 thu hơn 543 triệu USD và The Garfield Movie đạt 217 triệu USD.
Theo Deadline, bộ phim giúp gỡ gạc doanh thu mùa hè ảm đạm, sau các tác phẩm The Fall Guy, Furiosa: A Mad Max Saga và IF thất bại ở phòng vé. Đây cũng là chiến thắng cho Pixar, khi hãng từng gặp khó khăn khi phát hành các bộ phim như Turning Red, Soul và Luca trong thời kỳ đại dịch.
Dự án được giới phê bình đánh giá cao, với 91% điểm "tươi" trên Rotten Tomatoes và điểm A CinemaScore. Cây bút Jazz Tangcay của Variety viết: "Inside Out 2 báo hiệu Pixar trở lại phong độ đỉnh cao. Kỹ xảo hoạt hình cùng nội dung kịch bản giúp dự án trở thành một trong những phần phim ăn theo hay nhất mọi thời".
Digital Spy cho rằng phần phim tiếp cận quá trình trưởng thành của một thiếu niên theo cách hài hước, sáng tạo, tác động đến nhiều khán giả. Trong khi đó, Total Film nhận định tác phẩm mở rộng nhiều nhân vật, duy trì không khí vui nhộn, nhiều màu sắc giống phần đầu.
Inside Out ra mắt lần đầu năm 2015, do Pete Docter đạo diễn, thành công về mặt chất lượng lẫn thương mại. Tác phẩm đoạt tượng vàng Oscar 2016 hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc, có doanh thu 858,8 triệu USD toàn cầu.
Phần hai lấy bối cảnh hai năm sau các sự kiện ở phần phim năm 2015. Nhân vật Riley lúc này bước sang tuổi 13, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Trong lúc đó, năm cảm xúc Joy (Vui Vẻ), Sadness (Buồn Bã), Disgust (Chảnh Chọe), Anger (Giận Dữ) và Fear (Sợ Hãi) vất vả giúp Riley đối phó với những thứ mới lạ ập đến. Kết quả là một nhóm cảm xúc mới gồm Anxiety (Lo Âu), Envy (Ghen Tị), Ennui (Chán Nản) và Embarrassment (Xấu Hổ) nhập bọn.
Khi Riley chuyển trường, những cảm xúc cãi vã về cách điều khiển tâm trạng của chủ nhân. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là việc Lo Âu chiếm quyền kiểm soát và đuổi các cảm xúc cũ khỏi Trung khu não bộ. Họ buộc phải tìm đường quay lại để cân bằng cảm xúc của Riley.
Quế Chi (theo Guardian, Variety)