* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Tác phẩm do Kelsey Mann đạo diễn, lấy bối cảnh hai năm sau các sự kiện ở phần đầu. Riley (Amy Poehler lồng tiếng) lúc này bước sang tuổi 13, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Năm cảm xúc Joy (Vui Vẻ), Sadness (Buồn Bã), Disgust (Chảnh Chọe), Anger (Giận Dữ) và Fear (Sợ Hãi) vất vả giúp Riley đối phó với những thứ mới lạ trong trại hè khúc côn cầu. Kết quả là một nhóm mới gồm Anxiety (Lo Âu), Envy (Ghen Tị), Ennui (Chán Nản) và Embarrassment (Xấu Hổ) nhập bọn.
Trong lúc tìm cách điều khiển tâm trạng của chủ nhân, những cảm xúc liên tục cãi vã. Đỉnh điểm mâu thuẫn là nhóm của Lo Âu chiếm quyền kiểm soát và đuổi thành viên cũ khỏi Trung khu não bộ. Họ buộc phải tìm đường quay lại để cân bằng tính cách Riley.
Phim lấy chủ đề khủng hoảng tuổi mới lớn, đề cập những vấn đề giới trẻ phải đối mặt. Sự xuất hiện của những cảm xúc mới đánh dấu sự thay đổi về mặt tinh thần, khi Riley lo lắng về mối quan hệ bạn bè, việc học tập và hình ảnh bản thân.
Bằng cách đào sâu nội tâm nhân vật, tác phẩm cho thấy giai đoạn nhiều biến động, giúp hình thành nhân cách con người. Khi lớn lên, Riley muốn khám phá thế giới, tìm cách hòa nhập với thế giới. Nhưng điều này cũng khiến cô xa cách gia đình, bất đồng với người xung quanh, thậm chí gạt bỏ sở thích để làm quen bạn mới.
Vui Vẻ và Lo Âu đều muốn giúp Riley trở thành phiên bản hoàn hảo, nhưng mỗi cảm xúc có hướng suy nghĩ khác nhau. Vui Vẻ quan niệm cô bé chỉ được là mình nếu luôn duy trì lối sống tích cực, còn Lo Âu định hướng lựa chọn ở hiện tại, để sau này chủ nhân không phải hối hận với quyết định của mình. Từ đó, tác phẩm đặt câu hỏi: Chúng ta sẽ chấp nhận con người thật của mình, hay trở thành người mà xã hội mong muốn?
Phim không gửi gắm bài học to lớn mà khiến khán giả đồng cảm qua nhiều tình tiết. Trong một tình huống, Vui Vẻ thừa nhận không phải lúc nào cũng hạnh phúc. Đôi khi suy nghĩ tích cực khiến cô gặp khó khăn. Ở một đoạn khác, nhân vật nói: "Có lẽ trưởng thành là thế này, mỗi ngày sẽ vui ít đi".
Theo Variety, dự án là câu chuyện ngụ ngôn, nói lên mong muốn hòa nhập, được công nhận của con người. Tác phẩm khuyến khích người xem hãy trải nghiệm và sửa sai, đồng thời biết chấp nhận những điều không hoàn hảo trong cuộc sống.
Qua sự biến tấu của họa sĩ hoạt hình, các cảm xúc lần lượt xuất hiện trên màn ảnh rộng. So với phần một, dự án lần này có nhiều nhân vật hơn, nhằm bộc lộ sự phức tạp tâm lý. Phần đồ họa được đầu tư, thể hiện qua bối cảnh lẫn nhân vật. Phim mang đến các khái niệm mới như Cây bản dạng, Hệ thống niềm tin, Dòng sông khao khát, Vực thẳm cợt nhả.
Tác phẩm nhận "mưa" lời khen, được giới chuyên môn đánh giá cao về nội dung lẫn kỹ thuật hoạt hình. Variety nhận xét phim không bất ngờ như phần đầu nhưng gây xúc động, có nhiều tầng nghĩa về sự trưởng thành. Digital Spy cho rằng Inside Out 2 tiếp cận giai đoạn của lứa tuổi 13+ theo cách hài hước, sáng tạo, tác động đến nhiều khán giả. Theo Total Film, dự án duy trì không khí vui nhộn, nhiều màu sắc giống phần đầu.
Để tăng độ xác thực cho các cảm xúc, hãng hoạt hình Pixar tập hợp nhóm chín cô gái tuổi từ 13-19 đến trường quay bốn tháng một lần để xem và góp ý cho bản nháp tác phẩm, theo Discussing Film. Đạo diễn Kelsey Mann cũng tham khảo ý kiến từ các chuyên gia tâm lý để quyết định số lượng nhân vật mới vào phim.
Inside Out ra mắt lần đầu năm 2015, do Pete Docter đạo diễn, thành công về mặt chất lượng lẫn thương mại. Tác phẩm đoạt tượng vàng Oscar 2016 hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc, có doanh thu 858,8 triệu USD toàn cầu.
Quế Chi