"Tôi đã mời Tổng thống Zelensky tham dự hội nghị thượng đỉnh G20", Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 29/4 thông báo.
Ông Widodo cũng cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 trong một cuộc điện đàm.
"Tôi bày tỏ hy vọng rằng chiến sự có thể sớm kết thúc và các giải pháp hòa bình được tạo ra thông qua đàm phán", Tổng thống Widodo đề cập tới chiến dịch của Nga tại Ukraine.
Ông Widodo nói đã từ chối yêu cầu cung cấp vũ khí của Tổng thống Ukraine do chính sách đối ngoại của quốc gia Đông Nam Á này đang cố gắng hướng tới trạng thái trung lập chiến lược. Ông Widodo khẳng định Indonesia sẵn sàng viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay dự kiến được tổ chức tại đảo Bali vào tháng 11. Nga là thành viên G20, còn Ukraine thì không.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine", Indonesia đối mặt với sức ép gay gắt từ các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, nhằm loại Nga khỏi hội nghị thượng đỉnh G20.
Tuy nhiên, Indonesia nhấn mạnh rằng với tư cách chủ nhà, nước này phải có quan điểm trung lập. Trung Quốc cũng phản đối đề xuất loại Nga ra khỏi G20. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó nói nếu Indonesia và các nước khác không đồng ý loại Nga, Ukraine nên được tham dự các hội nghị của nhóm.
G20 đã lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, cho rằng hoạt động này làm căng thẳng địa chính trị leo thang, gây ra làn sóng ảnh hưởng kinh tế toàn cầu và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
G20, được thành lập năm 1999, là một trong các nền tảng quốc tế quan trọng để điều phối các hoạt động từ ứng phó biến đổi khí hậu đến xử lý các khoản nợ ở nước ngoài.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)