Ali Rahman, lãnh đạo cơ quan phòng chống thiên tai tỉnh Tây Sulawesi, hôm nay cho biết giới chức đang cần thêm nhiều thiết bị hỗ trợ công tác cứu hộ. "Chúng tôi đang tập trung vào hai địa điểm trong cuộc chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn sống sót sau trận động đất", ông nói.
Thuyền và máy bay chở đầy thực phẩm cùng các đồ dùng thiết yếu đã được chuyển đến những nơi mà hàng nghìn người dân chịu cảnh mất nhà cửa do trận động đất. Lực lượng cứu hộ đã hoạt động suốt ngày đêm để tìm kiếm nạn nhân dưới các đống đổ nát ở Mamuju, thành phố có khoảng 110.000 dân ở tỉnh Tây Sulawesi, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất sau trận động đất hôm 15/1.
Giới chức Indonesia chưa đưa ra con số cụ thể về những người dân có thể vẫn mắc kẹt dưới các tòa nhà đổ nát, bao gồm cả bệnh viện Mitra Manakarra bị san phẳng.
Lực lượng cứu hộ hôm nay đã tìm được 8 thi thể, trong đó gồm 5 thành viên trong một gia đình. Trong những người sống sót có một cặp chị em trẻ tuổi được tìm thấy dưới những tấm bê tông và được chuyển tới bệnh viện để điều trị. Chính quyền Indonesia cho biết thêm gần 200 người đã nhập viện vì thương nặng.
Hội Chữ thập đỏ Indonesia đang gấp rút cung cấp hỗ trợ y tế đến những khu vực bị động đất ảnh hưởng, các thành viên của họ cũng nỗ lực tìm kiếm người còn sống sót. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cảnh báo trẻ nhỏ có thể là những người có khả năng gặp nguy hiểm cao nhất.
Động đất mạnh 6,2 độ xảy ra gần đảo Sulawesi của Indonesia rạng sáng 15/1 đã khiến ít nhất nhất 45 người chết và hàng trăm người bị thương. Trận động đất gây thêm khó khăn trong công tác ứng phó thảm họa của Indonesia, khi nước này vừa trải qua vụ lở đất kép ở tỉnh Tây Java tối 9/1, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và nhiều người mất tích.
Indonesia thường xuyên xảy ra các vụ động đất và núi lửa do nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm. Năm 2018, một trận động đất mạnh 7,5 độ cùng sóng thần xảy ra ở đảo Sulawesi đã khiến hơn 4.300 người chết, mất tích.
Ngọc Ánh (Theo AFP)