Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố kết luận về chuyến làm việc của Ban Điều hành quỹ vào cuối tháng 6/2013 tại Việt Nam. Theo đó, IMF nhận định nền kinh tế Đông Nam Á đã lấy lại được sự ổn định kinh tế vĩ mô trong năm qua. Lạm phát đã giảm đi đáng kể, xuất khẩu đang tiến triển tốt, chủ yếu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thặng dư tài khoản vãng lai tăng mạnh lên 9,1 tỷ USD trong năm 2012 từ mức 0,2 tỷ USD trong năm 2011, do nhập khẩu giảm và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Tỷ giá hối đoái đã được ổn định, và tổng dự trữ ngoại tệ tăng hơn gấp đôi vào tháng 2/2013 so với cuối năm 2011, mặc dù vẫn chưa đạt mức 2,5 tháng nhập khẩu.
Kinh tế sáng sủa hơn chủ yếu nhờ xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Hà |
Thị trường tài chính cũng bình ổn đã trở lại sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung ứng thanh khoản và tạo điều kiện để hợp nhất một số ngân hàng nhỏ, yếu kém. Rủi ro từ hoạt động đầu cơ vàng cũng giảm đáng kể khi NHNN áp dụng biện pháp để dừng các hoạt động cho vay và nhận tiền gửi bằng vàng.
Thị trường liên ngân hàng nhìn chung được khôi phục mặc dù một số ngân hàng yếu kém không đáp ứng được các điều kiện cần thiết để được tiếp cận thị trường liên ngân hàng và phải dựa vào công cụ tái cấp vốn và thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản khi cần thiết. Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã tốt hơn, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng tiền gửi cao hơn và chi phí vốn giảm đáng kể.
Tuy nhiên, IMF nhận xét, khu vực trong nước vẫn chưa tìm được một nền tảng vững chắc bởi năng suất thấp, bảng cân đối ngân hàng gặp vấn đề và một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Tăng trưởng tín dụng thực còn ở mức khiêm tốn, chủ yếu tập trung ở các khu vực hướng về xuất khẩu và nông nghiệp. Lạm phát giảm nhưng vẫn còn áp lực tăng cao trở lại. Thu ngân sách trong nước và thu liên quan tới nhập khẩu đã có phần yếu đi trong những tháng gần đây.
Do kết quả của các chính sách trước đây, một phần hệ thống ngân hàng bị thiếu vốn, không đủ trích lập dự phòng, và lợi nhuận thấp. Những hạn chế về số liệu, khuôn khổ pháp lý và công tác thanh tra đã cản trở nhận thức về tình trạng thực sự của hệ thống tài chính.
Tuy vậy, với những kết quả đạt được, IMF nhận định: "Chính phủ Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong ổn định nền kinh tế hai năm qua, nhưng sẽ phải đối mặt với các rủi ro lớn trong và ngoài nước trong giai đoạn tới. Do vậy, cần tránh nới lỏng chính sách tại giai đoạn bước ngoặt này và thúc đẩy tái cơ cấu".
Cơ quan này cũng khuyến nghị NHNN tiếp tục tập trung vào mục tiêu đạt được lạm phát thấp và ổn định, hỗ trợ neo tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối. Trong ngắn hạn, có ít dư địa để NHNN tiếp tục cắt giảm lãi suất do việc này có thể khiến NHNN gặp phải rủi ro về uy tín trong việc chống lạm phát. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng không nên tiếp tục giảm thuế mà nên có giải pháp giúp các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn có lãi trả cổ tức.
Để hệ thống ngân hàng khỏe mạnh trở lại, cơ quan điều hành cần thực hiện các biện pháp để cấp vốn bổ sung cho các ngân hàng, củng cố giám sát và quản lý ngân hàng và thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu. Đồng thời, cần đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, củng cố trách nhiệm giải trình và kỷ luật tài chính, đồng thời thành lập một ủy ban chỉ đạo cấp cao nhằm thúc đẩy tái cơ cấu khu vực này.
Về tỷ giá, một cơ chế thả nổi có điều tiết cho phép tỷ giá linh hoạt hơn qua thời gian là có lợi cho Việt Nam, IMF cho hay.
Trong 2 năm tới, cơ quan này dự kiến thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ ở mức cao và luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn mạnh mẽ, hỗ trợ cho dự trữ ngoại hối. Tăng trưởng trong năm 2013 được dự báo là 5,3% dựa trên giả định nền kinh tế toàn cầu cải thiện, chính sách tỷ giá và tiền tệ không thay đổi, và gói kích thích tài khóa được rút về một cách có tính toán.
Huyền Thư