Phát biểu tại Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam sáng nay, ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, các chính sách vĩ mô để neo giữ kỳ vọng lạm phát và cải thiện niềm tin vào tiền đồng cần tiếp tục thắt chặt. "Nếu xảy ra cú sốc nào, chính sách tài khóa có thể được nới lỏng chút ít, trong khi chính sách tiền tệ vẫn cần tập trung vào kiềm chế lạm phát", vị này nói.
Trong bối cảnh đó, IMF khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nên duy trì lãi suất chính sách ở mức như hiện nay nếu không có cú sốc lớn nào trong thời gian tới. Theo tổ chức này, duy trì lạm phát thấp và một tỷ giá hối đoái ổn định là những yếu tố hết sức quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước đó, sau khi đại diện Chính phủ để ngỏ phương án họp bàn giảm lãi suất thì Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng có báo cáo kiến nghị mạnh dạn hạ thêm 1 điểm % lãi suất để cứu doanh nghiệp. Lãi suất huy động kể từ tháng 3 năm nay đã được nhà điều hành giảm 4 lần, từ 14% xuống 9% như hiện nay.
Lãi suất tiết kiệm VNĐ đã giảm 5% kể từ tháng 3 nhưng khả năng huy động vốn vẫn tăng trưởng. Ảnh: Anh Quân. |
Không riêng gì IMF, cuối tuần trước, Standard Chattered cũng đưa ra khuyến nghị cho rằng Việt Nam nên thận trọng khi quyết định giảm lãi suất. Nguyên nhân tổ chức này đưa ra là việc cắt giảm lãi suất quá nhanh (với mức giảm 5 điểm % như trong năm 2012) có thể gây lo ngại về độ tín nhiệm từ quốc tế đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, thời điểm hạ lãi suất hợp lý theo nhà băng này nên dời sang cuối tháng 3/2013.
Thêm vào đó, IMF dự báo với triển vọng tăng truởng yếu ớt như hiện nay, mức nợ xấu có thể tiếp tục tăng lên nữa. Về quy mô, mức độ nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn có nhiều con số khác nhau. Trong khi các ngân hàng tự báo cáo tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 4,47% thì ước tính của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại ở mức 8,82%. Các tổ chức quốc tế thì cho rằng con số còn có thể cao hơn nữa. Trong đó, nợ xấu đang tập trung ở các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là những doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.
Trên cơ sở đó, IMF cho rằng những yếu kém và thiếu minh bạch trong ngành ngân hàng đã ảnh hưởng xấu đến sự ổn định và sẽ tiếp tục cản trở tăng truởng. IMF cũng cảnh báo sự bùng nổ tăng trưởng tín dụng và cho vay “người nhà” đối với các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, hệ thống ngân hàng nay chất lượng tài sản kém, dự phòng không đủ và độ an toàn vốn không cao.
Theo IMF, nếu không đẩy mạnh cải cách ngân hàng, các khoản nợ dự phòng có thể còn tăng cao và đặt ra rủi ro cho tính bền vững của nợ công. Theo tính toán và dự báo của IMF, thâm hụt ngân sách có thể tăng lên mức gần 5,5% trong năm nay, trước khi giảm xuống còn 4% trong năm 2013.
Có mặt tại Hội nghị CG sáng nay, đại diện từ IMF cũng thẳng thắn nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã tích tụ nhiều yếu tố bất ổn ngay từ truớc khi xảy ra suy giảm kinh tế gần đây. Theo đó, kinh tế Việt Nam cuối năm 2012 khá hơn năm ngoái về nhiều mặt. Ví dụ như: lạm phát chung đã giảm xuống mức một con số, Ng ân hàng Nhà nước đã đi đúng hướng trong việc kiềm chế lạm phát, cán cân vãng lai đã thặng dư với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh.
Tuy nhiên, IMF đánh giá trên thực tế vẫn còn nhiều thách thức lớn phía trước. Lạm phát giảm nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao. Tốc độ tăng trưởng tín dụng rất yếu ớt và lượng hàng tổn kho còn lớn. Tiến bộ cải cách trong lĩnh vực ngân hàng lại chậm hơn so với mức cần thiết. Khó khăn càng tăng khi Việt Nam cũng không có nhiều không gian chính sách để giảm bớt tác động tiêu cực của bối cảnh kinh tế toàn cầu đang nhiều bất trắc.
Mức dự trữ quốc tế đang tăng, nhưng vẫn thấp hơn so với mức có thể tạm coi là ổn hoặc đủ để có thể đương đầu với những cú sốc lớn từ bên ngoài. Do đó, cần tiếp tục tăng mức dự trữ quốc tế thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô, IMF nhận định.
Thanh Bình - Thanh Lan