Hội đồng các quốc gia thành viên (ASP), cơ quan giám sát Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), hôm 22/3 cho biết đã có các mối đe dọa chống lại ICC cũng như các biện pháp nhằm vào công tố viên cùng thẩm phán của cơ quan này.
"Chủ tịch hội đồng lấy làm tiếc về những động thái nhằm cản trở các nỗ lực quốc tế để đảm bảo có những bên phải chịu trách nhiệm đối với hành vi bị luật pháp quốc tế cấm", ASP ra tuyên bố.
ICC hôm 17/3 phát lệnh bắt Tổng thống Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga. ICC cho rằng hoạt động nói trên diễn ra sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya nói nước này sơ tán các em nhỏ khỏi vùng chiến sự Ukraine vì lo ngại nguy hiểm có thể xảy ra và sẽ đưa các em trở về khi đủ điều kiện an toàn.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 20/3 cảnh báo việc ICC phát lệnh bắt Tổng thống Putin sẽ gây hậu quả khủng khiếp với luật pháp quốc tế. Ông Medvedev còn dọa phóng tên lửa vào The Hague, nơi đặt trụ sở ICC, nhằm trả đũa.
Ủy ban Điều tra Nga hôm 20/3 mở điều tra hình sự nhằm vào các thẩm phán và công tố viên ICC với cáo buộc "vi phạm luật pháp Nga, bao gồm vu khống, tìm cách tấn công đại diện nước ngoài được bảo vệ theo luật pháp quốc tế, với mục đích gây phức tạp quan hệ quốc tế".
Theo lý thuyết, nếu Tổng thống Putin đến lãnh thổ của 123 quốc gia thành viên ICC, họ sẽ phải bắt ông và giao ông cho ICC. Nhưng trên thực tế, không phải mọi quốc gia đều tuân thủ phán quyết của tòa. Tổng thống Nga cũng ít khả năng tới thăm các nước mà Moskva cho là "không thân thiện".
Ngọc Ánh (Theo AFP)