Biến chủng Omicron đang lưu hành khắp thế giới có đặc tính khác biệt với các phiên bản trước đó của nCoV. Nó có khả năng lây nhiễm nhanh nhất, đặc biệt qua đường hô hấp trên, từ mũi người này sang mũi người khác. Số ca nhiễm tăng vọt kể từ mùa đông năm nay, ở cả người đã tiêm chủng.
Kể từ đó, các nhà khoa học cân nhắc lại chiến lược hiệu quả nhất phòng chống biến chủng trong tương lai. Họ hướng tới loại vaccine có tính bảo vệ cao hơn, ngăn chặn hoàn toàn ca nhiễm ngay từ đầu. Niềm hy vọng của họ đặt vào vaccine dạng xịt mũi.
Vaccine Covid-19 ban đầu khá hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Khi các nước bắt đầu tiêm nhắc lại, các chuyên gia nhận định liều tăng cường chỉ đem lại lợi ích hạn chế với những người khỏe mạnh. Chuyển đổi vaccine từ dạng tiêm sang dạng xịt có thể tạo miễn dịch ngay tại nơi virus xâm nhập, ngăn chặn sự lây lan từ đầu.
Cơ chế miễn dịch học của vaccine dạng xịt khá phức tạp, nhưng ý tưởng về nó đơn giản. Giọt phun sương chứa vaccine vào lỗ mũi có thể kích thích khả năng miễn dịch "niêm mạc" - thành phần chống virus trong mô lót đường thở. Khả năng bảo vệ tại chỗ có thể phòng ngừa lây nhiễm và ngăn chặn các biến chủng mới.
Thực tế, Omicron khiến quan điểm về vaccine thay đổi. Trong hơn một năm đầu tiên triển khai, vaccine cứu sống hàng triệu mạng người, ngăn ngừa lây nhiễm ngay cả trong bối cảnh biến chủng như Delta, Alpha lưu hành. Omicron trở thành thách thức với cả những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao. Niềm hy vọng của các nhà khoa học sớm biến thành nỗi lo ngại.
Lúc này, nhiều chuyên gia nghĩ đến vaccine dạng xịt. Một số người cho rằng còn quá sớm để mong đợi vào tiến trình phát triển của sản phẩm này. Nhiều người nhận định mục tiêu chính của tiêm chủng là để bảo vệ người dân khỏi chuyển nặng, không phải ngăn ngừa tất cả ca nhiễm nhẹ. Những người ủng hộ vaccine dạng xịt cũng thừa nhận việc quản lý và phân phối có thể phức tạp.
Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn đạt được sức hút. Akiko Iwasaki, chuyên gia miễn dịch tại Trường Y Đại học Yale, nghiên cứu vaccine dạng xịt để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Biến chủng Omicron khiến suy nghĩ của cô thay đổi.
"Nhận thấy biến chủng mới có khả năng lây truyền nhanh, khiến vaccine không còn hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm, tôi cho rằng mình có cơ hội đóng góp gì đó cho đại dịch này", Iwasaki nói.
Kế hoạch Chuẩn bị Ứng phó Covid-19 cấp Quốc gia của Tổng thống Joe Biden, công bố vào tháng 3, nhấn mạnh cần điều chỉnh lại vaccine để phù hợp với các biến chủng trong vòng 100 ngày kể từ khi chúng xuất hiện.
Ngày càng nhiều nhà khoa học cho rằng một vaccine ngăn chặn lây nhiễm ban đầu cũng cấp thiết như vậy. Chuyên gia tại Viện Y tế Quốc gia cũng như Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Tiên tiến Y sinh (BARDA) xem xét "vaccine thế hệ tiếp theo". Trong đó có loại vaccine kích thích miễn dịch niêm mạc, có thể ngăn chặn lây truyền.
Karin Bok, giám đốc Trung tâm Phòng dịch và Ứng phó khẩn cấp tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cho biết: "Chúng tôi có thể triển khai Chiến dịch Thần tốc đối với vaccine dạng xịt, nhưng chưa có kinh nghiệm để làm điều này".
Dù vậy, các hãng dược đã chủ động thử nghiệm vaccine thế hệ mới. Dan Wagner, 33 tuổi, là một trong số những người đăng ký tham gia thử nghiệm vaccine dạng xịt.
Là một người kinh doanh trực tuyến, anh không lo lắng bị lây nhiễm Covid-19 trong quá trình làm việc. Wagner không có bệnh nền, khó chuyển nặng nếu nhiễm virus. Khi đã đủ điều kiện tiêm chủng, anh liên tục nghe tin về những người đã tiêm vaccine vẫn nhiễm bệnh.
"Tôi còn trẻ, không có tiền sử bệnh lý, luôn cẩn thận. Tôi không quá e sợ rằng mình sẽ nhiễm virus. Vì vậy, việc tiêm một loại vaccine mà tôi biết trước không ngăn ngừa lây nhiễm thật vô lý", anh nói.
Khi biến chủng Omicron lây lan, Wagner nghe nói đến thử nghiệm vaccine xịt mũi của Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi Cincinnati. Vaccine có thể ngăn chặn lây nhiễm virus từ đầu. Anh đã đăng ký thử vaccine đường mũi vào cuối tháng 1.
Thay vì cảm giác kim chích quen thuộc, anh có thể cảm nhận những giọt vaccine chảy từ mũi xuống cổ họng. Wagner cho biết cảm giác có vẻ kỳ lạ, nhưng anh không gặp tác dụng phụ nào.
Vaccine Wagner đăng ký thử nghiệm do công ty công nghệ sinh học CyanVac ở Georgia phát triển, chứa phiên bản virus từng sử dụng để tiêm chủng chống bệnh ho cũi, đã được bổ sung thêm gai protein bên ngoài nCoV.
Theo lý thuyết, virus ở chó sẽ nhân lên trong thời gian giới hạn ở mũi người, huấn luyện hệ miễn dịch nhận diện protein gai của Covid-19 và ngăn chặn mầm bệnh sau này. Virus sử dụng trong vaccine vô hại với con người.
Sau thử nghiệm, Wagner thường xuyên quay lại cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm kháng thể chống virus. Các nhà nghiên cứu cũng xem xét thời gian virus ở chó đào thải khỏi cơ thể.
Các hãng dược sử dụng những công nghệ khác nhau để điều chế vaccine. Vaxart, một công ty ở San Francisco, thử nghiệm vaccine dạng viên có chứa phiên bản virus cảm lạnh vô hại. Virus không thể nhân lên, không gây nhiễm trùng, nhưng vẫn có protein gai của virus và tạo phản ứng miễn dịch.
Tại New York, các nhà nghiên cứu Trường Y Icahn ở Mount Sinai đã phát triển vaccine dạng xịt chứa virus cảm, ho ở gà, được bổ sung protein gai của nCoV.
Đại học Oxford đã thử nghiệm phiên bản vaccine xịt của AstraZeneca. Tại Ấn Độ, Bharat Biotech nghiên cứu loại vaccine tương tự.
Thực tế, vaccine dạng xịt không mới, nhưng còn chưa phổ biến. Quá trình nghiên cứu vấp phải trở ngại nhiều năm. Các nhà khoa học từng thử nghiệm FluMist, vaccine ngừa cúm nhưng không được chấp thuận cho người cao tuổi và trẻ nhỏ, có hiệu quả kém hơn so với tiêm chủng thông thường.
Nhiều loại vaccine xịt mũi bào chế dựa trên virus sống hoặc bị suy yếu, không được sử dụng ở người bị suy giảm miễn dịch hoặc phụ nữ mang thai. Các nhà khoa học cẩn thận xem xét tính an toàn của chúng, vì mũi rất gần não bộ.
Martin Moore, giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Meissa Vaccines, cho biết: "Omicron đã thay đổi quan điểm của giới chuyên môn. Biến chủng sẽ tiếp tục xuất hiện, nhưng ngày càng bớt nguy hiểm".
Vaccine Covid-19 dạng xịt cũng đang được thử nghiệm tại Việt Nam, trong giai đoạn tuyển tình nguyện viên pha ba. Đây là vaccine của Trung Quốc, thử nghiệm giai đoạn ba tại Việt Nam và một số nước khác theo thông lệ thế giới về quy trình nghiên cứu vaccine mới.
Thục Linh (Theo NY Times)