Những người phản đối đã tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội, mang theo cờ và biểu ngữ với dòng chữ: "Người dân không phải để tống tiền, quốc gia không phải để bán".
Trong khi đó, tối qua, Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras đã nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Đức - bà Angela Merkel, cùng các lãnh đạo của Pháp và Ủy ban châu Âu (EC). Động thái này diễn ra chỉ một ngày trước cuộc họp có thể quyết định tương lai của Hy Lạp tại eurozone.
"Thủ tướng Hy Lạp đã trình đề xuất của Hy Lạp lên ba lãnh đạo, nhằm đạt thỏa thuận có lợi cho tất cả các bên, đạt giải pháp mang tính dứt khoát và cuộc đàm phán không bị trì hoãn", Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp cho biết.
Tsipras biết rằng nếu không có thỏa thuận với châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông có thể đẩy đất nước vào cảnh vỡ nợ và phải rời eurozone. Hy Lạp đang nợ IMF 1,5 tỷ euro, đáo hạn vào cuối tháng này.
Các ngân hàng cũng đang lao đao khi người gửi tiền lo lắng trước viễn cảnh không mấy tốt đẹp của quốc gia, và ồ ạt rút tiền trước hạn. Theo thống kê của giới chức Hy Lạp, chỉ riêng trong ngày thứ 6 (19/6), số tiền bị rút khỏi hệ thống ngân hàng nước này là 1,2 tỷ euro, đưa con số rút ròng từ đầu tuần lên 4,2 tỷ. Áp lực này khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải nới trần gói Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp. Tuy con số chính xác vẫn chưa được công bố, theo CNBC, mức hỗ trợ này đạt khoảng 3,3 tỷ euro.
Các nhà băng chỉ có thể duy trì hoạt động nếu được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hỗ trợ khẩn cấp. Mà việc này không thể kéo dài vĩnh viễn, và chắc chắn sẽ không còn nếu Hy Lạp vỡ nợ.
Tsipras đắc cử hồi tháng một với cam kết giúp Hy Lạp nới lỏng các biện pháp thắt lưng buộc bụng – như giảm chi tiêu công và tăng thuế. Đây là 2 điều kiện Hy Lạp phải đáp ứng để nhận được gói cứu trợ kỷ lục trị giá 240 tỷ USD trong 5 năm qua.
Số tiền này đã giúp Hy Lạp tồn tại, dù không thể vay tiền từ thị trường tài chính. Tuy nhiên, khoản cuối cùng của số tiền này - 7,2 tỷ euro vẫn chưa tới tay nước này do các bên còn bất đồng về các biện pháp cải tổ kinh tế.
Rất nhiều người Hy Lạp cảm thấy thế này đã là quá đủ. GDP đã co lại hơn 25%, một phần tư người dân thất nghiệp, còn lương hưu và thu nhập cũng đang giảm dần.
Tsipras đã từ chối chấp nhận nhiều điều khoản của nhóm chủ nợ. Tuy nhiên, châu Âu và IMF vẫn rất cứng rắn. Họ cho rằng không thể đưa thêm tiền cho Hy Lạp nếu nước này không sẵn sàng áp dụng các biện pháp cần thiết để chi tiêu trong số tiền cho phép và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo trước đây. Họ lấy ví dụ về Ireland và Bồ Đào Nha – những nước đã trải qua thời kỳ thắt lưng buộc bụng hà khắc và giờ đang tăng trưởng trở lại.
Sau 4 tháng đàm phán không đi đến đâu, cuộc họp hôm nay của lãnh đạo tài chính các nước châu Âu sẽ là thời điểm quyết định với Hy Lạp. Cùng ngày, các lãnh đạo eurozone cũng sẽ tham dự một cuộc họp khác tại Brussels. Trong nhiều cuộc thăm dò, hầu hết người dân Hy Lạp vẫn muốn ở lại châu Âu. Tuy nhiên, một số lại cho rằng cái giá có thể rất đắt.
"Tôi không lo lắng về châu Âu. Chúng tôi có thể tìm các đối tác khác, như Trung Quốc hay Nga", Ioanna Tsironis - một nhân viên y tế công cho biết. Lương của cô đã bị cắt giảm tới 40% trong 3 năm qua.
Những người tham gia biểu tình chống thắt chặt tại Hy Lạp hôm qua cũng kêu gọi Chính phủ tiếp tục phản đối các yêu cầu cắt giảm lương hưu của nhóm chủ nợ. "Tôi rất may mắn vì sống cùng cha mẹ. Họ đã nghỉ hưu và có lương hưu. Nhưng ngoài kia còn nhiều người khác không được như vậy, họ không có gia đình hỗ trợ. Chính phủ đang làm một việc rất đúng đắn", Konstantinos Papageorgiou cho biết. Anh đã thất nghiệp 2 năm nay, sau khi lấy được bằng đại học.
Hà Thu (theo CNN)