Người phát ngôn Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết dù buổi đàm phán đã có tiến triển, "khoảng cách lớn" vẫn còn tồn tại. Châu Âu đề nghị Hy Lạp cắt giảm 2 tỷ euro chi tiêu để nhận được số tiền cứu trợ tiếp theo.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Hy Lạp - Yannis Dragasakis cho biết Athens vẫn sẵn sàng đàm phán với các chủ nợ. Ông tiết lộ bản đề xuất Chính phủ Hy Lạp gửi lên nhóm chủ nợ hôm qua đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về thâm hụt tài khóa.
Tuy nhiên, ông Dragasakis cũng cho biết EU và IMF vẫn muốn Hy Lạp cắt giảm lương hưu. Đây là điều nước này chưa bao giờ chấp thuận. Kinh tế trưởng IMF - Olivier Blanchard cho biết nếu muốn đạt thỏa thuận, hai bên sẽ phải có "những quyết định khó khăn" với "những lựa chọn và cam kết cứng rắn".
Hy Lạp đã gần cạn kiệt tiền mặt và đang cố đạt thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU), IMF trước cuối tháng này để tránh vỡ nợ. Ngày 18/6, Bộ trưởng Tài chính các nước eurozone sẽ tiếp tục bàn bạc về vấn đề này. Đây được coi là cơ hội cuối cùng của Hy Lạp để đạt thỏa thuận. Người phát ngôn EC cho biết: "Chủ tịch Jean-Claude Juncker vẫn cho rằng nếu Hy Lạp cải tổ mạnh hơn, chúng ta có thể tìm thấy giải pháp trước cuối tháng này".
Các cuộc nói chuyện diễn ra trong bối cảnh Đức ngày càng gây sức ép mạnh lên Hy Lạp. Phó Thủ tướng Đức - Sigmar Gabriel hôm qua cho biết các quốc gia châu Âu đang dần hết kiên nhẫn với Hy Lạp. Đức muốn giữ Hy Lạp ở lại eurozone, nhưng ông cũng cảnh báo "không chỉ thời gian, mà sự kiên nhẫn của cả châu lục đang dần cạn kiệt". "Trên khắp châu Âu, tâm lý chung là mọi chuyện đã quá đủ rồi", ông nói.
Hy Lạp đang tìm cách tránh vỡ nợ khoản vay 1,5 tỷ euro từ IMF trước cuối tháng này. Các chủ nợ cũng luôn yêu cầu họ giảm chi để đổi lấy khoản tiếp theo trong gói cứu trợ.
Tuy nhiên, đảng cầm quyền cánh tả Syriza tại đây - lãnh đạo bởi Thủ tướng Alexis Tsipras hồi tháng 1 đã cam kết sẽ tìm mọi cách nới lỏng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, tăng lương tối thiểu và tạo thêm việc làm cho người dân. Dù vậy, cuối tuần trước, ông Tsipras cũng cảnh báo người dân Hy Lạp nên chuẩn bị cho "một sự nhượng bộ khó khăn".
Hà Thu (theo BBC)