Dẫn số liệu từ nhiều báo cáo, BBC cho biết số tiền bị rút khỏi các ngân hàng lớn của Hy Lạp từ đầu tuần lên tới 3 tỷ euro (khoảng 3,4 tỷ USD). Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết đã chấp thuận một số giải pháp khẩn cấp hỗ trợ các nhà băng Hy Lạp, và sẽ xem xét việc cấp vốn trở lại vào đầu tuần sau. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ cụ thể không được nguồn tin này công bố.
Trong khi đó, theo Reuters, số tiền 3 tỷ USD nêu trên tương đương khoảng 2,2% tổng tiền gửi cá nhân và tổ chức tại các nhà băng Hy Lạp, tính đến cuối tháng 4. "Không có cảnh xếp hàng hay hoảng loạn, việc rút tiền diễn ra khá âm thầm và trật tự", lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ với hãng tin Anh.
Điều gì sẽ xảy ra với khủng hoảng nợ Hy Lạp ? I. Hy Lạp và các chủ nợ không đạt được thỏa thuận: Hy Lạp vỡ nợ. ECB tiếp tục bơm vốn cho các ngân hàng và sẽ nắm quyền kiểm soát. Hy lạp sẽ rời khỏi eurozone. II: Hy Lạp đồng ý với các chủ nợ vào phút chót về việc tái cấu trúc. Nước này sẽ ở lại eurozone. III: Các bên không đạt được thỏa thuận nhưng sẽ nhượng bộ lẫn nhau. Hy Lạp tạm thời ở lại eurozone. |
Hiện tượng rút tiền của người dân Hy Lạp diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán gia hạn nợ cho chính phủ nước này với các chủ nợ ngày càng bế tắc. Hy Lạp còn lại chưa đầy 2 tuần trước khi bị xem là vỡ nợ khi không trả được khoản tiền 1,6 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nếu điều này xảy ra, khả năng nước này rời khối đồng tiền chung, cũng như EU là rất cao.
Ở chiều ngược lại, cả IMF và ECB không chấp thuận mở thêm hầu bao cứu Hy Lạp nếu nước này không chấp thuận các điều kiện tái cấu trúc, bao gồm nhiều thay đổi trong chính sách kinh tế như: lương hưu, thuế giá trị gia tăng (VAT) hay tránh thâm hụt ngân sách. Đây chính là lý do khiến các chủ nợ không chịu "nhả" khoản tiền 7,2 tỷ USD cứu trợ, vốn đã trễ hẹn từ tháng 2.
Thứ Hai tới, cuộc gặp bất thường giữa các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ được tổ chức nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp, sau khi nỗ lực ở cấp bộ trưởng bất thành. Người đứng đầu nhóm bộ trưởng tài chính Euro - Jeroen Dijsselbloem cho biết có rất ít tiến triển đạt được, khiến cho một thoả thuận tại cuộc gặp cuối tuần này là điều xa với. Vị này cũng nhấn mạnh rằng Hy Lạp còn rất ít thời gian.
Trong khi đó, Uỷ viên châu Âu phụ trách đồng euro Valdis Dombrovksis cho rằng cuộc gặp vào đầu tuần tới sẽ là cơ hội cuối cùng cho một cuộc đàm phán nghiêm túc để xử lý vấn đề Hy Lạp. Bình luận về tình trạng rút tiền, vị này nói thêm "đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Hy Lạp cần một sự ổn định về tài chính".
Trước đó, tại cuộc gặp của các bộ trưởng tài chính châu Âu, đại diện của Anh - ông George Osborne cho rằng Hy Lạp đang ở "giờ chót" trong cuộc khủng hoảng nợ và chính phủ nước này cần chấp nhận thoả thuận trước khi quá muộn. "Chúng tôi hy vọng điều tốt đẹp nhất, nhưng cũng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất xảy ra.
Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vẫn tỏ ra khá lạc quan về việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng khi cho rằng việc các nhà lãnh đạo châu Âu chịu gặp gỡ vào ngày thứ Hai tới là một tín hiệu tốt cho thoả thuận. "Tất cả những ai đặt cược vào khủng hoảng hay sự sợ hãi sẽ được chứng minh là sai lầm", lãnh đạo này khẳng định.
Những điểm gây tranh cãi chính trong kế hoạch giải cứu Hy Lạp: - Hy Lạp không đồng ý cắt giảm lương hưu và lương cho khu vực công, với lý do hai phần ba khu vực hưu trí đang sống gần hoặc dưới ngưỡng nghèo. - Các chủ nợ cho rằng việc cắt giảm quỹ lương hướng tới điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, thay vì giảm lương của mỗi cá nhân. - Các tổ chức này muốn Hy Lạp giảm quỹ lương thêm 1% GDP (còn khoảng 16% GDP), trong khi nước này cho rằng tỷ lệ như vậy là quá cao, bởi tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế đã thu hẹp đáng kể. - Các quan chức EU muốn Hy Lạp đồng ý đặt mục tiêu thặng dư ngân sách 1% GDP trong năm nay, 2% cho 2016 và 3,5% cho 2018. Hy Lạp lại đặt điều kiện phải nhận được hỗ trợ trước khi đồng ý những điều kiện này. - Chủ nợ muốn mở rộng diện thu VAT, trong khi Hy Lạp không muốn áp thêm thuế đối với các mặt hàng dược và năng lượng. - Hy Lạp cho rằng chủ nợ chỉ muốn tăng thuế, trong khi IMF lại phàn nàn rằng Athens đã không có những cải cách thích đáng. |
Kỳ Duyên