"Nếu Hy Lạp cần thêm hỗ trợ tài chính, con số này sẽ vào khoảng 10 tỷ euro, hoặc nhỏ hơn các chương trình trước", ông Stournaras cho biết. Tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng ước tính nước này sẽ cần khoảng 11 tỷ euro giai đoạn 2014 - 2015. Đến nay, Hy Lạp đã nhận được hai khoản cứu trợ với tổng trị giá 240 tỷ euro từ châu Âu, BBC cho biết.
Tuy nhiên, trên tờ Proto Thema, ông Stournaras cũng tuyên bố Hy Lạp sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện cắt giảm chi tiêu nào nữa. “Chúng tôi không đề cập đến một gói cứu trợ mới, mà là khoản hỗ trợ kinh tế không đi kèm các điều kiện thắt chặt mới. Mục tiêu của chúng tôi đã được thiết lập và các biện pháp khác không thể được áp dụng", ông cho biết.
Khu vực đồng euro đã ra khỏi suy thoái từ quý trước với mức tăng 0,3% GDP. Tuy nhiên, kinh tế Hy Lạp vẫn tiếp tục lao dốc với tốc độ mạnh nhất khu vực, khi tiền cứu trợ chỉ được cấp với điều kiện Chính phủ nước này phải giảm chi và cải tổ. Bộ ba chủ nợ của Hy Lạp - Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và IMF sẽ xem xét lại chương trình cứu trợ cho nước này vào mùa thu.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại cảnh báo việc xóa nợ cho Hy Lạp sẽ làm tổn hại đến sự ổn định của eurozone. Khu vực này mới lấy lại niềm tin của nhà đầu tư thời gian gần đây, sau nhiều năm tương lai của đồng tiền chung bị lung lay vì hàng loạt vụ cứu trợ quốc gia. "Việc này có thể tạo hiệu ứng bất ổn domino, khiến sự sẵn sàng quay lại eurozone của nhà đầu tư giảm về 0", bà nhận định.
Lời bình luận của bà được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble – tuyên bố hồi đầu tháng rằng Hy Lạp sẽ cần một khoản cứu trợ nữa để thu hẹp nhu cầu vốn. Cứu trợ là vấn đề rất nhạy cảm ở Đức khi nhiều người dân nước này cảm thấy họ đã đóng góp quá đủ cho công cuộc cứu trợ của châu Âu.
Thùy Linh