Theo giới phân tích, đáng lo ngại nhất là tình hình thất nghiệp trong giới trẻ. 65% người Hy Lạp trong độ tuổi 15 – 24 không thể tìm được việc làm. Số người thất nghiệp tại đây đã tăng thêm 200.000 trong 12 tháng qua và 1 triệu người trong 5 năm.
Hy Lạp đã phải nhận cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) suốt từ năm 2010. Tuy nhiên, những gói cho vay khẩn cấp này đều đi kèm với nhiều điều khoản khắc nghiệt, trong đó có thắt chặt ngân sách, khiến nền kinh tế co lại đáng kể. GDP Hy Lạp đã giảm khoảng 30% kể từ năm 2008.
Lo ngại bởi cuộc suy thoái dài nhất kể từ khi đồng euro lưu hành và tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục, các lãnh đạo EU đã phải nới lỏng biện pháp khắc khổ trong vài tháng gần đây. Vì vậy, hoạt động tại châu Âu đã có một số dấu hiệu khởi sắc.
Theo CNN, tốc độ suy thoái tại Italy và Tây Ban Nha đã giảm trong quý II. Các số liệu thương mại tại Đức cũng tăng mạnh trong tháng 6. Việc này cho thấy khu vực eurozone có thể tăng trưởng dương trong quý II sau 6 quý liên tiếp co lại.
Còn tại Hy Lạp, sau nhiều năm tăng thuế và giảm chi, họ cũng đã được bật đèn xanh để giảm tới 10% thuế thực phẩm – đồ uống tại nhà hàng cho đến cuối năm. Động thái này nhằm thúc đẩy tiêu dùng và du lịch trên khắp cả nước. Tuy nhiên, nó cũng sẽ khiến Chính phủ mất 100 triệu euro doanh thu thuế.
Báo cáo mới nhất của IMF cũng cho thấy Hy Lạp sẽ cần thêm khoảng 11 tỷ euro trong hai năm tới. Việc này cũng có nghĩa các nước eurozone sẽ được kêu gọi "xóa nợ" thêm cho Hy Lạp. Tuy nhiên, quyết định này chắc chắc sẽ bị phản ứng dữ dội, đặc biệt là từ Đức.
Thùy Linh (theo CNN)