Hôm qua (11/6), Hy Lạp tuyên bố đóng cửa tạm thời đài truyền hình quốc gia - ERT để tiết kiệm ngân sách và đáp ứng các điều khoản của gói cứu trợ quốc tế. Quyết định trên sẽ khiến gần 2.600 nhân viên nhà đài Hy Lạp mất việc. Theo yêu cầu của gói giải cứu mới nhất, nước này phải cắt giảm 15.000 công chức nhà nước trong hai năm tới.
ERT bị đóng cửa đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ các công đoàn và cả một số thành viên đảng cầm quyền Hy Lạp. Một số kênh thậm chí còn ngừng phát sóng trước hạn chót đêm qua (11/6).
Ba đài truyền hình trong nước, cùng hàng loạt kênh radio địa phương và quốc gia tiêu tốn 300 triệu euro (400 triệu USD) mỗi năm, người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp - Simos Kedikoglou cho biết. Ông nhấn mạnh ERT chính là "trường hợp điển hình của sự lãng phí".
Hàng nghìn nhân viên đã tụ tập phản đối bên ngoài trụ sở của ERT sau khi thông báo trên được đưa ra. Cảnh sát chống bạo động cũng được điều đến chắn trước lối vào của tòa nhà ở Athens. Các đài truyền hình tư nhân cũng ngừng đưa tin trong 6 giờ liên tiếp, chỉ chạy quảng cáo và phát lại chương trình để thể hiện sự phản đối.
Chủ tịch Liên đoàn truyền hình châu Âu Jean Paul Philippot cũng thúc giục Thủ tướng Samaras thu lại quyết định trên. Ông cho biết: "Đài truyền hình quốc gia có vai trò quan trọng nhất trong thời điểm khó khăn như thế này".
Thông báo trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Hy Lạp không thể tìm nổi người mua công ty gas quốc gia DEPA, khiến nước này lâm vào tình trạng thiếu tiền mặt trầm trọng. Hy Lạp đang phải bán bớt các tài sản nhà nước để có đủ 9,5 tỷ euro cho đến năm 2016, theo yêu cầu của hai gói cứu trợ.
Điều tra viên từ bộ ba Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tới Athens hồi đầu tuần để kiểm tra quá trình thực thi các điều kiện của gói cứu trợ.
Việc đóng cửa ERT cũng gây rạn nứt trong liên minh ba đảng của Thủ tướng Antonis Samaras. Hai đảng còn lại phản đối vì quyết định trên chưa hề có ý kiến của họ. Yannis Maniatis, quan chức cấp cao của đảng Xã hội PASOK cho biết: "Đài truyền hình quốc gia không thể bị đóng cửa. Liên minh ba đảng sẽ khó hoạt động tiếp nếu họ cứ ‘tiền trảm hậu tấu’ thế này".
Quyết định trên được đưa ra theo hình thức nghị định cấp bộ. Vì vậy, nó có thể được áp dụng mà không cần thông qua Quốc hội. Kedikoglou cho biết các nhân viên ERT có thể tiếp tục nộp đơn xin việc khi đài truyền hình mở cửa trở lại.
Thùy Linh (theo Reuters)