Hôm qua, Standard and Poor's hạ hai bậc trong thang đánh giá tín nhiệm dài hạn của Hy Lạp, đưa xếp hạng của nước này từ BB- xuống B sau khi cho rằng Hy Lạp sẽ cần thêm thời gian và tiền bạc để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay.
Không những thế, S&P còn cảnh báo rằng họ có thể tiếp tục hạ điểm Hy Lạp trong những tháng tới nếu không nhận thấy sự tiến triển nào.
S&P đưa ra quyết định trên khi có những mối lo ngày càng tăng về sự phục hồi của Hy Lạp, bất chấp gói cứu trợ khổng lồ trị giá 110 tỷ euro (160 tỷ USD) từ IMF và EU hồi năm ngoái. Hiện khối nợ của Hy Lạp đã lớn hơn tổng sản lượng quốc nội trong một năm rưỡi.
Cùng ngày, hãng đánh giá Moody's cũng cho biết họ đang xem xét mức độ tín nhiệm của Hy Lạp và có khả năng sẽ hạ điểm nước này không chỉ một mà nhiều bậc trong thời gian tới.
Sau quyết định của S&P, Hy Lạp ngay lập tức có tuyên bố phản pháo, cho rằng sự hạ điểm càng khiến người ta nghi ngờ tính tin cậy của các hãng đánh giá. Theo Chính phủ Hy Lạp, những thông tin và S&P dựa vào để đánh giá chủ yếu là "tin đồn vô căn cứ trên thị trường" và "các bài phân tích của giới báo chí".
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp George Papaconstantinou phát biểu tại cuộc họp của Tổ chức Minh bạch Thế giới hôm 9/5. Ảnh: AP |
Hôm qua, các quan chức châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã có mặt tại Hy Lạp để kiểm tra quá trình cải cách nền kinh tế mà chính phủ Hy Lạp cam kết để đổi lấy khoản vay 110 tỷ euro (tương đương 160 tỷ USD) cứu trợ năm ngoái. Họ cũng muốn biết liệu gói cứu trợ hiện tại có đủ để Athen tự đứng vững trên đôi chân của mình khi mà chương trình này sẽ kết thúc vào năm 2013. Tuy nhiên, đa phần các nhà đầu tư cho rằng điều đó sẽ khó xảy ra.
Có những ý kiến từ Liên Minh châu Âu cho biết các Bộ trưởng đang họp bàn và cân nhắc một khoản cứu trợ bổ sung cho Hy Lạp vào năm sau. Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde cho biết trong phiên họp hôm 16/5 tới, họ sẽ cân nhắc xem Hy Lạp sẽ phải làm gì để kiểm soát nợ công như đã cam kết với EU và IMF.
Thứ sáu vừa qua, một cuộc họp bí mật đã được tổ chức tại Luxembourg giữa một số bộ trưởng tài chính trong khối sử dụng đồng euro và các quan chức hàng đầu của EU. Họ thừa nhận Hy Lạp có thể sẽ phải cần đến số tiền hỗ trợ nhiều hơn con số 110 tỷ euro từ Liên minh Châu Âu hoặc các tổ chức quốc tế khác.
Thủ tướng Luxembourg đồng thời là chủ tịch luân phiên của eurozone – Jean-Claude Juncker cho biết: “Chúng tôi cho rằng Hy Lạp đang rất cần một chương trình giải cứu phù hợp hơn”. Còn theo Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, thay đổi trong chương trình cứu trợ cho Hy Lạp là điều tất yếu.
Tuy Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp George Papaconstantinou đã gợi ý các nước có thể hỗ trợ thêm 440 tỷ euro hoặc gia hạn nợ cho Hy Lạp, giới chức tham gia cuộc họp vẫn chưa đưa ra quyết định về phương án hỗ trợ cho nước này.
Ông Juncker cho biết phương án tái cơ cấu lại nợ cho Hy Lạp đã bị loại trừ. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet và quan chức kinh tế hàng đầu của EU là Olli Rehn cho rằng việc tái cấu trúc sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề phải giải quyết hơn. Ông cũng bác thông tin đồn cho rằng Hy Lạp đang chuẩn bị rút khỏi khối sử dụng đồng euro.
Mặc dù Hy Lạp đã ban hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng, bắt đầu cải cách nền kinh tế và công bố một chương trình tư nhân hóa trị giá 50 tỷ euro (tương đương 73 tỷ USD), nhưng khu vực tài chính công vẫn không mấy cải thiện. Bên cạnh đó, chính phủ đang gặp khó khăn trong huy động nguồn thu thông qua thuế do họ vẫn ở trong tình trạng suy thoái.
Thanh Bình - An Lâm