Dù vẫn phải chờ đợi kết quả bỏ phiếu tại 15 Nghị viện thành viên trong khối đồng tiền chung euro nhưng gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro (146 tỷ USD) gần như đã được thông qua trong cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính trong khối tại Brussels (Bỉ) cuối tuần trước.
Theo BBC, kế hoạch giải cứu kinh tế Hy Lạp sẽ kéo dài trong 3 năm. EU sẽ chi 80 tỷ USD trong tổng kinh phí trong khi số còn lại sẽ được IMF trang trải. Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker cho biết, 30 tỷ USD sẽ được giải ngân trong năm nay và số tiền chắc chắn sẽ đến tay Athens trước ngày 19/5, thời hạn trả nợ tiếp theo của Hy Lạp.
Người dân Hy Lạp đang đứng trước một sự lựa chọn khó khăn. Ảnh: AFP |
Quyết định của EU được đưa ra khá nhanh nhưng không làm bất ngờ giới phân tích bởi đối với các thành viên trong khối, ở thời điểm hiện tại, cứu Hy Lạp cũng chính là cứu mình. Nếu Hy Lạp vỡ nợ, đây sẽ là quân domino đầu tiên đổ xuống. Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Cộng hòa Ireland và nhiều quốc gia khác rất có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo.
Rào cản lớn nhất đối với kế hoạch giải cứu Hy Lạp hiện nay nằm tại Đức. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Kinh tế nước này, ông Rainer Bruederle, khả năng Quốc hội Đức thông qua kế hoạch vào thứ 6 này là rất cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bruederle cũng cho rằng Chính phủ Hy Lạp nhất thiết phải hành động một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Làm được điều này không dễ bởi để đánh đổi cho gói cứu trợ, Chính phủ Hy Lạp sẽ phải thực hiện hàng loạt biện pháp hà khắc mà theo miêu tả của Thủ tướng George Papandreou là “một sự hy sinh vĩ đại” của đất nước.
Hy Lạp đang ngày một chìm sâu trong khủng hoảng và giảm phát trong năm 2010, theo dự báo của Chính phủ nước này có thể đạt 4%. Nợ quốc gia hiện ở mức 115% GDP và có thể tăng tới 149% GDP vào năm 2013. Nếu không thực thi những biện pháp tích cực, Hy Lạp chắc chắn sẽ vỡ nợ vào thời điểm đó.
“Đất nước đang tiến đến rất gần nguy cơ phá sản. Không ai có thể tưởng tượng được núi nợ mà Chính phủ tiền nhiệm đã để lại cho chúng tôi”, Thủ tướng Papandreou phẫn nộ.
Lối thoát duy nhất của Hy Lạp hiện là gói cứu trợ của EU và IMF. Đổi lại, họ sẽ phải cắt giảm thâm hụt ngân từ 13,6% xuống còn dưới 3% trong vòng 3 năm tới. Giá trị thực tế của kế hoạch này là 30 tỷ euro.
Để làm được điều này, hàng loạt biện pháp hà khắc đã được lên kế hoạch, bao gồm cắt giảm lương thưởng tại khu vực công, cấm tăng lương tại khu vực này trong vòng 3 năm, tăng thuế VAT từ 21% lên 23%, tăng 10% thuế đánh vào nhiên liệu, rượu và thuốc lá…
Kế hoạch này sẽ được Quốc hội Hy Lạp xem xét thông qua vào thứ 6 tới nhưng trước đó đã phải chịu rất nhiều phản đối từ xã hội. Công đoàn nước này đã lên kế hoạch tổ chức biểu tình vào cuối tuần này.
Trong khi đó, với vai trò quan trọng trong gói giải cứu Hy Lạp, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng kế hoạch của Athens rất tham vọng: "Sự lựa chọn của Hy Lạp, EU và IMF là không dễ dàng. Những quốc gia khác có thể lấy đây là bài học để không mắc phải sai lầm tương tự”, bà Merkel nói.
Nhật Minh