Hy Lạp đang đối mặt với 2 vấn đề thâm hụt cùng một lúc, đó là thâm hụt ngân sách (vượt 13% GDP năm 2010) và thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai (khoảng 9% GDP, so với mức trung bình của toàn khu vực Eurozone là 1%).
Bên cạnh đó, nợ còn hạn của Hy Lạp lên tới gần 400 tỷ đôla Mỹ, trong đó riêng nợ đến hạn năm 2010 là 73 tỷ đôla Mỹ. Lãi suất Hy Lạp phải trả cho các khoản vay nợ lên tới mức kỷ lục, trên 9% đối với các khoản vay có kỳ hạn.
Tháng 3, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody hạ xếp hạng nợ của Hy Lạp xuống mức B1 từ mức Ba1 và cho biết sẽ có thể hạ thêm. Dù thực hiện được kế hoạch điều chỉnh kéo dài 3 năm, nợ của Hy Lạp đến năm 2013 vẫn lên mức 158% GDP.
Khủng hoảng nợ công tại châu Âu ngày càng trầm trọng |
Sự phụ thuộc quá nhiều của Hy Lạp vào nguồn tài trợ nước ngoài đã khiến cho nền kinh tế nước này trở nên dễ tổn thương trước những thay đổi trong niềm tin của giới đầu tư. Sự nghi ngờ của giới đầu tư lên đến đỉnh điểm khi Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố ước tính về thâm hụt ngân sách của Hy Lạp là 13,6% GDP - cao hơn hẳn so với con số ước tính được chính phủ Hy Lạp đưa ra trước đó.
Hy Lạp đã chính thức kêu gọi hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các quốc gia thành viên Eurozone. Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone đã quyết định hỗ trợ tài chính dành cho Hy Lạp với mức hỗ trợ 110 tỷ euro trong vòng 3 năm 2011-2013 (lãi suất ưu đãi là 5%), trong đó các nước thuộc Eurozone bỏ ra 80 tỷ euro và 30 tỷ còn lại là IMF. Đổi lại, Hy Lạp phải cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 11% GDP (2011) và xuống dưới mức quy định 3% của EU vào năm 2013.
Hồi tuần trước, Ireland đã đưa ra các kết quả điều tra mới nhất về các ngân hàng nước này. Ngân hàng Trung Ương Ireland đã lên tiếng yêu cầu trợ giúp từ liên minh châu Âu trong việc kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực ngân hàng do chi phí trang trải các khoản nợ lên tới 70 tỷ Euro, tương đương 99 tỷ USD, một con số nợ khổng lồ đối với một đất nước tạo ra 171 tỷ USD một năm.
Cuộc khủng hoảng nợ công của Ireland không phải là điều bất ngờ như trường hợp Hy Lạp. Những dấu hiệu báo trước đã xuất hiện khá sớm. Trước tiên, đó là một thị trường bất động sản bong bóng. Trong một thập niên tính đến năm 2007, giá nhà tại Ireland tăng gần gấp 4 lần, thậm chí còn đắt hơn cả những thành phố vẫn được mệnh danh là đắt đỏ trên thế giới như Los Angeles.
Khi bong bóng bất động sản vỡ tung đã kéo theo sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng. Và khi chính phủ ra tay cứu trợ ngân hàng - nợ công trở thành gánh nặng cho ngân khố quốc gia.
Ireland đã trở thành quốc gia thứ hai sau Hy Lạp buộc phải thực hiện các biện pháp kinh tế khắc khổ để đổi lấy khoản cứu trợ khẩn cấp từ IMF và EU, nhằm đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ như giảm ít nhất 10% mức lương tối thiểu, tăng thuế giá trị gia tăng, cắt giảm 25.000 biên chế trong các cơ quan nhà nước…
Quốc gia này hy vọng với những biện pháp kinh tế thắt lưng buộc bụng này, Ireland sẽ giải quyết triệt để khủng hoảng nợ công, giảm mức thâm hụt ngân sách từ con số kỷ lục 32% GDP hiện nay xuống mức 3% GDP và giảm tỷ lệ thất nghiệp từ trên 13% hiện nay xuống dưới 10% vào năm 2014.
Ireland đã phải thực hiện các biện pháp khắc khổ để đổi lấy khoản cứu trợ khẩn cấp. |
Còn Bồ Đào Nha thừa nhận thâm hụt ngân sách 2010 của quốc gia này ở mức 8,6% GDP, cao hơn nhiều so với mục tiêu 7,3% đặt ra trước đó. Khoản nợ công của Bồ Đào Nha năm 2010 lên tới 84% GDP. Nghiêm trọng hơn, 70% các khoản nợ của Bồ Đào Nha là nợ nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc quốc gia này khó có thể xoay xở hay trì hoãn khi nợ đáo hạn.
Dự báo, tỷ lệ nợ công Bồ Đào Nha sẽ tăng từ 82,4% trong tổng GDP trong năm ngoái lên 87,9% GDP trong năm nay và tăng đến 88,1% GDP vào năm tới. Cuộc khủng hoảng nợ công cũng khiến cho tình hình chính trị của nước này cũng bị chia rẽ sâu sắc. Quốc hội Bồ Đào Nha đã bác bỏ chương trình thắt lưng buộc bụng của Chính phủ nhằm hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng tài chính của Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates, khiến ông tuyên bố từ chức.
Moody đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Chính phủ Bồ Đào Nha xuống thêm một bậc, từ A3 xuống Baa1. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đến một tháng, Moody hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của quốc gia này. Hãng này cho rằng, Chính phủ Bồ Đào Nha khó có thể đạt được những mục tiêu về giảm thâm hụt ngân sách giai đoạn 2011-2014. Trước đó, ngày 29/3, Standard & Poor’s (S&P) cũng đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Bồ Đào Nha từ BBB xuống BBB-.
Theo tuyên bố được đưa ra vào cuối ngày 6/4 của Thủ tướng José Sócrates mới từ chức của nước này Bồ Đào Nha, nước này chính thức đề nghị sự giúp đỡ tài chính từ bên ngoài để vực dậy hệ thống tài chính và nền kinh tế. Các thành viên EU và giới phân tích nhận định quốc gia này cần ít nhất 100 tỷ USD để trang trải các khó khăn tài chính cho tới khi đáo hạn và tổng tuyển cử. Bồ Đào Nha phải trả 4,2 tỷ euro tiền trái phiếu đến hạn vào ngày 15/4 và thêm 4,9 tỷ USD vào tháng 6.
Giới phân tích nhận định, Tây Ban Nha có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ công với bong bóng nhà đất khổng lồ và các vấn đề liên quan đến các khoản nợ tăng lên với mức độ chóng mặt. Hợp đồng bảo hiểm khả năng vỡ nợ (CDS) kỳ hạn 10 năm của trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha đã lên tới mức 312 điểm phần trăm, cao chưa từng có từ trước tới nay. Như vậy, cứ 10 triệu Euro nợ dài hạn của Tây Ban Nha sẽ mất 312.000 Euro phí bảo lãnh.
Mạng tin “Dự báo thị trường” (Anh) nhận định mặc dù châu Âu vẫn chống chọi được với cơn bão khủng hoảng nợ công, nhưng những diễn biến mới nhất ở Bồ Đào Nha đang đe dọa đẩy cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực khỏi tầm kiểm soát.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy hôm 25/3 cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh mùa xuân, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu EU đã thông qua một phương án toàn diện nhằm đối phó với khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Phát biểu về “phương thuốc” này, ông Van Rompuy mô tả, nó sẽ trở thành bước ngoặt để khu vực Eurozone thoát ra khỏi khủng hoảng nợ công.
Đối với các biện pháp ngắn hạn, phương án này bao gồm quy mô và mục đích phát triển cơ chế viện trợ hiện thời, hạ thấp chi phí vay nợ cho những nước nhận viện trợ như Hy Lạp, triển khai các nội dung như tiến hành sát hạch tình hình tài chính cho các ngân hàng….
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU còn nhất trí tăng cường nguồn lực tài chính từ 250 tỷ euro lên 440 tỷ euro nhằm bảo đảm năng lực bơm vốn thực tế cho các nước Eurozone. Đây là một công cụ để ổn định tài chính châu Âu, đồng thời cũng đảm bảo đủ tín dụng viện trợ cho các nước Eurozone có nguy cơ theo chân Ireland, Hy Lạp, hay Bồ Đào Nha. Ngoài ra, công cụ ổn định tài chính châu Âu này có thể gia nhập vào thị trường một cấp, trực tiếp ra tay thu mua trái phiếu chính phủ của những nước Eurozone đang gặp khó khăn về phát hành trái phiếu, nhằm xoa dịu tình trạng khẩn cấp.
Tuy nhiên, phương án cụ thể để nâng cao khả năng bơm vốn phải đợi đến tháng 6 năm nay mới có thể xác định. Theo các nhà phân tích, việc trì hoãn chính sách này khiến thị trường chịu áp lực thì cơn hoảng loạn của thị trường có thể sẽ gia tăng.
Tuyến Nguyễn (tổng hợp)