Ngay sau trận mở màn của bảng A, với chiến thắng đậm đà mang tỷ số 4-1 của các cầu thủ xứ Bạch dương trước CH Czech, nhiều người đã nghĩ rằng Nga chính là ứng cử viên nặng ký nhất của ngôi đầu bảng, còn việc các học trò của HLV Michal Bilek bị loại dường như khó tránh khỏi.
Cũng ở trận đầu tiên, với thế trận phòng thủ kiên cường cùng bàn gỡ hòa vào lưới chủ nhà Ba Lan, người ta nhận ra Hy Lạp vẫn còn bóng dáng của nhà vô địch châu Âu 8 năm về trước, dù mờ nhạt.
Bước sang trận thứ hai, trong khi Hy Lạp nhanh chóng sụp đổ trước đòn tấn công phủ đầu chớp nhoáng của CH Czech, dự đoán về cán cân bảng đấu đã thay đổi. Với 1 điểm sau 2 vòng đấu, Hy Lạp được cho là sẽ sớm xách valy về nước, trong khi người ta bắt đầu nghĩ đến một kịch bản khác dành cho các cầu thủ Czech.
Ít ai ngờ Hy Lạp sẽ thế chân Nga để vào tứ kết sau vòng bảng. |
Cũng ở lượt trận thứ hai, bàn gỡ hòa đẹp mắt của của thủ quân Ba Lan Blaszczykowski trước đội Nga khiến người ta phân vân: Đâu là sức mạnh thực sự của "Đại bàng trắng". Có hai trận hòa, Ba Lan vẫn là một ẩn số và thậm chí bước vào lượt đấu cuối, nhà cái còn đánh giá họ nằm "cửa trên" so với người hàng xóm CH Czech.
Kịch tính ở bảng A được đẩy lên cao độ ở lượt đấu cuối. Bất ngờ xảy ra trên sân Municipal ở Wroclaw, khi CH Czech kết thúc giấc mơ của chủ nhà Ba Lan. Trong trận này, các học trò của ông Bilek đã kiên cường phòng ngự trước sự tấn công của các cầu thủ chủ nhà trong suốt hiệp một. Sang hiệp hai, các cầu thủ "khách" mới tung ra những đòn phản công để rồi cú dứt điểm của Jiracek đã đưa hai đội về hai cực của bảng xếp hạng.
Nhưng kịch tính nhất lại là cuộc đối đầu trên sân vận động quốc gia tại thủ đô Warsaw. Ở trận đấu này, người ta như thấy lại hình ảnh đoàn quân của "Vua" Rehhagel từng bước lên đỉnh châu Âu với lối chơi phòng ngự phản công hết sức khó chịu nhưng hiệu quả.
Thực ra, trong trận này, các cầu thủ Nga chỉ có thể tự trách mình sau thất bại. Họ kiểm soát bóng tới gần 2/3 thời gian, sút tới 17 lần nhưng chỉ 5 lần trúng đích mà không ghi được một bàn thắng. Trong khi đó, chỉ tung ra được có 2 cú dứt điểm chính xác, nhưng đạt hiệu quả cao nhất, Hy Lạp vẫn giành chiến thắng.
Trong khi những cầu thủ tên tuổi của Nga như Arshavin, Pavlyuchenko, Zyryanov, hoặc ngôi sao vừa lóe sáng tại Euro này là Dzagoev đều tịt ngòi thì chính một sai lầm của hàng thủ đã khiến họ phải trả giá. Pha đánh đầu phá bóng hỏng của hậu vệ Ignashevich vô tình biến thành đường chuyền thuận lợi cho Karagounis sút tung lưới thủ thành Malafeev. Những nỗ lực tấn công của các cầu thủ Nga vấp phải hàng phòng ngự dày đặc mà HLV Fernando Santos bố trí trước khung thành. Không thể xuyên phá được hàng phòng ngự áo trắng trong suốt 45 phút của hiệp hai, Nga đành ngậm ngùi giã từ Euro.
Sau trận đấu, chính HLV Advocaat đã phải công nhận Nga thua cuộc do họ quá phung phí các cơ hội, đồng thời cũng ca ngợi bản lĩnh của Hy Lạp, bản lĩnh đã được chứng minh bằng ngôi vô địch châu Âu năm 2004.
Hết hy vọng vào bản thân, HLV Dick Advocaat lại trông chờ vào phép màu giúp Ba Lan có bàn gỡ hòa vào lưới CH Czech, để đội bóng của ông lọt qua cửa hẹp của vòng bảng. Nhưng đó quả là một hy vọng quá mong manh. Đoàn quân của HLV Bileck, đã "cầm vàng", quyết không để vàng rơi, đã thi đấu rất tập trung, không để các cầu thủ chủ nhà biến cơ hội thành bàn thắng.
Nếu trên SVĐ Quốc gia Ba Lan, ông Advocaat được chứng kiến 8 phút cuối của trận đấu giữa Ba Lan và Czech trên sân Municipal, chắc ông sẽ lên cơn đau tim. Trong 8 phút kịch tính đó, liên tiếp 3 cơ hội của các cầu thủ chủ nhà đã bị bỏ lỡ, thậm chí, ngay trước khi trọng tài nổi còi kết thúc trận đấu, hậu vệ Czech còn phải đánh đầu phá bóng ra khỏi khung thành sau cú sút hiểm hóc của Kuba.
Qua vòng bảng năm nay, dường như người ta gặp lại một "Gấu Nga" với đặc trưng của mình trong nhiều giải đấu gần đây: Ra quân tưng bừng nhưng cứ đuối dần về sau và cuối cùng, luôn để những người hâm mộ của họ phải thất vọng.
Đau cho Nga, khi họ bị loại mà có cùng 4 điểm như Hy Lạp, thậm chí hiệu số bàn thắng bại là +2, trong khi của Hy Lạp là 0. Nhưng theo luật đối đầu của UEFA, Nga thua Hy Lạp ở trận đối đầu trực tiếp nên bị loại. Đây chính là điểm thú vị của luật đối đầu, khi để so sánh sức mạnh của hai đội bóng, nên tính từ kết quả trận gặp nhau của chính họ trước. Ai thắng, đó chính là kẻ mạnh hơn.
Chỉ thua trận đấu cuối, các cầu thủ Ba Lan đành phải làm khán giả của Euro ngay trên đất nước mình. Dù sao, các fan của họ vẫn có quyền tự hào, khi đội tuyển khoác trên mình chiếc áo mang biểu tượng Đại bàng trắng đã luôn ngẩng cao đầu. Nước chủ nhà cũng có thể hài lòng vì đã tổ chức một kỳ Euro – đến lúc này – khá thành công, trừ lá thăm của UEFA đã đưa họ và Nga vào cùng bảng với nhau, dẫn đến những vụ lộn xộn của cổ động viên hai bên vừa qua.
Hai trận cuối cùng của bảng A không quá hấp dẫn về thế trận, nhưng những kết quả của nó thì vô cùng kịch tính. Bảng A đã trở thành bảng đấu gây bất ngờ đầu tiên ở Euro năm nay. Phía trước, những bất ngờ khác vẫn đang chờ đợi.
Tiên Long