Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết nước này đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 hôm 18/11, nói rằng vụ phóng là một phần trong chiến lược ưu tiên nhằm củng cố quốc phòng và xây dựng năng lực răn đe hạt nhân. Trong vụ thử, quả tên lửa Hwasong-17 bay xa khoảng 1.000 km sau 69 phút, đạt độ cao tối đa 6.041 km.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada nhận định nếu được phóng theo góc tối ưu, tên lửa có thể đạt tầm bắn 15.000 km, đủ sức bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Đây được coi là lần thứ ba Triều Tiên phóng thử Hwasong-17, mẫu tên lửa lớn nhất trong biên chế nước này và từng được một số chuyên gia phương Tây gọi là "tên lửa quái vật".
Triều Tiên lần đầu tuyên bố thử tên lửa Hwasong-17 hôm 24/3, đánh dấu vụ phóng ICBM đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ năm 2017. Tuy nhiên, quan chức phương Tây khi đó nhận định nước này thử nghiệm mẫu Hwasong-15 từng phóng thành công hai lần trong năm 2015.
Thông số kỹ thuật tên lửa không được Bình Nhưỡng công bố. Các chuyên gia thuộc 38 North, chương trình nghiên cứu về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson, tổ chức tư vấn chính sách ở Mỹ, ước tính nó có đường kính 2,5 m, cao 24-26 m, khối lượng phóng 80-110 tấn. Kích thước này khiến Hwasong-17 được cho là mẫu ICBM đặt trên bệ phóng di động và dùng nhiên liệu lỏng lớn nhất thế giới.
Tên lửa Hwasong-17 lần đầu xuất hiện trong lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng hồi tháng 10/2020 trên xe bệ phóng kiêm chở đạn (TEL) có 11 trục. Triều Tiên công bố tên của mẫu ICBM này trong triển lãm vũ khí tại thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 10/2021.
Hình ảnh được KCNA công bố cho thấy Hwasong-17 được khai hỏa trực tiếp từ xe TEL, trong khi các mẫu ICBM trước đó như Hwasong-14 và Hwasong-15 phải tháo rời khỏi xe TEL trước khi phóng. Tính năng này giúp Hwasong-17 có khả năng cơ động cao hơn và thời gian triển khai chiến đấu ngắn hơn so với các mẫu ICBM trước đây.
Ankit Panda, chuyên gia về chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Carnegie Endowment tại Mỹ, nhận định kích thước và cách bố trí động cơ cho thấy tầng đầu tiên của tên lửa Hwasong-17 có thể tạo ra lực đẩy tới 160 tấn.
Với kích thước này, Hwasong-17 mang được nhiều đầu đạn hồi quyển tấn công độc lập (MIRV) và mồi bẫy để tăng sức xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Thiết kế MIRV có thể đe dọa hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Tính tới năm 2020, Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) của Mỹ có 44 tên lửa đánh chặn, nhưng để đảm bảo diệt mục tiêu, họ phải phóng ít nhất 4 quả đạn để chặn một tên lửa đối phương.
Do đó, lá chắn tên lửa Mỹ chỉ có thể ngăn được tối đa 11 đầu đạn lao xuống cùng lúc. Hwasong-17 có khả năng mang 3-4 đầu đạn, hoặc kết hợp giữa đầu đạn thật và mồi bẫy, đặt ra nguy cơ lá chắn GMD quá tải nếu Bình Nhưỡng phóng vài quả ICBM cùng lúc.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 18/11 nói rằng tên lửa Hwasong-17 được Triều Tiên phóng thử không phải mối đe dọa với lãnh thổ Mỹ, nhưng vẫn bày tỏ lo ngại về tiến bộ của Bình Nhưỡng.
"Họ học được nhiều thứ qua mỗi lần phóng. Đó là điều đáng lo ngại. Ngay cả khi thử nghiệm thất bại hay chỉ thành công một phần, họ vẫn học được gì đó. Đây là hành động gây bất ổn, không chỉ với bán đảo Triều Tiên mà với cả khu vực", ông nói.
Vũ Anh (Theo Reuters)