Ngày 18/4, đường tỉnh 419 qua thôn Hai, xã Quảng Bị, nơi xuất hiện hố "tử thần" vẫn được phong tỏa với chiều dài hơn 200 m. Bên trong, các xe tải liên tục ra vào đổ đá dăm ở vị trí gần miệng hố, sau đó một máy múc chuyển đá xuống dưới.
Đại diện Viện thủy công cho hay quá trình san lấp hố "tử thần" ở xã Quảng Bị dự kiến kéo dài gần hai tuần, hoàn thành trước 30/4; kinh phí từ ngân sách của UBND huyện Chương Mỹ. "Đơn vị thi công sẽ sử dụng thêm cát để trám vào hố sụt, rồi dùng khoan phụt vữa xi măng để làm đông kết các kết cấu dưới hố", vị này nói.
Sau khi lấp đầy hố "tử thần", Viện Thủy công sẽ hoàn trả rãnh thoát nước và các lớp mặt đường ở khu vực này như trước đây, sau đó thử tải và quan trắc hiện trường.
Trước đó, trong hai ngày 15 và 16/4, huyện Chương Mỹ đã tổ chức hai cuộc họp với các chuyên gia và sở ngành liên quan để thống nhất phương án khắc phục sự cố sụt lún theo tư vấn của Viện Thủy công. Ban đầu Viện Thủy công nhận định, hố "tử thần" xuất hiện do người dân khi khoan giếng đã khoan trúng túi khí. Tuy nhiên, sau khi thảo luận và xác minh thêm, Viện kết luận nguyên nhân do hang rỗng hoặc xói ngầm đất cùng với tác động của quá trình xây dựng và cấu trúc địa chất phức tạp.
Hôm 6/4, một gia đình ở mặt tỉnh lộ 419 qua thôn Hai, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) khoan giếng. Đến 16h cùng ngày, sau nhiều tiếng động lớn, máy khoan, cây cảnh, cột điện sụt xuống lòng đất.
Ban đầu hố chỉ rộng hơn 3 m, đến tối lan rộng ra hơn 12 m, sâu trên 4 m. Nhà chức trách di dời 12 hộ dân xung quanh để đảm bảo an toàn. Cơ quan chuyên môn nhận định, khu vực trên khả năng còn một vài túi khí nữa. Tuy nhiên, nếu không có tác động như khoang giếng, đóng cọc sâu vào vị trí các túi này thì ít khả năng xảy ra sụt lún.