Gia đình ông Đặng Đình Nhâm ở thôn Hai đang khoan giếng trước cửa nhà kinh doanh thuốc. Đến 16h, khi khoan đến độ sâu 47 m thì bất ngờ mặt đất rung chuyển, phát ra tiếng kêu rắc rắc và dần sụt xuống, kéo theo máy khoan, cây lộc vừng, cột đèn chiếu sáng.
Do hố sụt từ từ, điểm ban đầu chỉ hơn 3 m2 nên những người trong gia đình kịp nhận được cảnh báo để thoát ra ngoài. Hai thợ khoan giếng cũng kịp nhảy ra khỏi miệng hố nên không bị thương.
Người dân huy động một xe bê tông tươi với hơn 50 m3 đổ xuống hố để ngăn sụt lún nhưng bất thành. Đến 21h tối cùng ngày, hố sụt dài khoảng 12 m, rộng 5 m, sâu 5 m, ăn sâu vào móng ba căn nhà một tầng, ba tầng và năm tầng kinh doanh quán ăn, quầy thuốc và tiệm sửa xe. Vết nứt trên mặt đường có dấu hiệu lan rộng.
Nhà chức trách tạm thời di dời 8 hộ dân xung quanh, phong tỏa 200 m dọc tỉnh lộ 419 đoạn chạy qua thôn Hai. Bên ngoài khu vực miệng hố, hàng trăm người dân hiếu kỳ đứng quan sát.
Lãnh đạo xã Quảng Bị cho biết, từ trước đến nay địa bàn xã chưa từng xảy ra sụt lún. Tuy nhiên, cách hố sụt khoảng 10 km, xã Nam Phương Tiến tháng 4/2020 từng xảy ra hiện tượng này.
Ông Hồ Tiến Chung, quyền Trưởng phòng Kiến tạo và Địa mạo, Viện Khoa học Địa chất và Khoảng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), phân tích hố "tử thần" là hiện tượng sụt lún ở những khu vực có cấu trúc địa chất đặc biệt như trên nền đất mềm, kém ổn định, dễ bị xói mòn hay có độ rỗng dưới lòng đất nên có thể bị sụt lún bất cứ lúc nào.
Có hai nguyên nhân chủ yếu tạo nên hố "tử thần", thứ nhất do quá trình thi công khiến nước bị rò rỉ dẫn tới sói lở tạo ra sụt lún. Thứ hai là do tự nhiên, ở phía dưới có đá vôi, dễ bị ăn mòn, tạo ra hố với nhiều khoang ngầm, khi nước ngầm chảy qua sẽ hòa tan đá vôi gây ra sụt lún.
Gia Chính